Dành cả buổi sáng 30/9 để chia sẻ với doanh nghiệp trong nước và quốc tế tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 về bối cảnh kinh tế – đầu tư hiện nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có cuộc trao đổi nhanh với VnExpress ngay sau khi Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được WEF công bố, cho thấy Việt Nam tăng 12 bậc trên danh sách 140 nước.
– Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015, cho thấy thứ hạng của Việt Nam liên tục được cải thiện từ năm 2012 đến nay. Ông nhận xét thế nào về kết quả này?
– Tôi cho rằng đó là kết quả của việc Việt Nam chấp nhận cuộc chơi toàn cầu. Năm nào mình làm tốt thì thứ hạng tăng, làm dở hoặc có nước nào khác làm tốt hơn thì họ hạ bậc. Việc thứ hạng tăng liên tục phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam, nhất là vừa qua, khi Chính phủ ra Nghị quyết 19, nhằm cải thiện trực tiếp vào thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng Việt Nam gia nhập các sân chơi lớn với mong muốn cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế. Ảnh: MPI |
– Vị trí 56 trong danh sách 140 nền kinh tế phản ánh như thế nào về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, thưa ông?
– Tôi nghĩ việc có hơn 700 đại biểu đến từ 32 nước quan tâm đến diễn đàn sáng nay đã phần nào cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sức hấp dẫn khi đầu tư vào Việt Nam. Với Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, đàm phán TPP vừa qua cho thấy chúng ta đã làm hết sức để cải thiện năng lực cạnh tranh.
Nhìn lại từ năm 2011 đến nay, đã có lúc người ta thấy kinh tế Việt Nam rất khó khăn, nhưng đến nay, tôi khẳng định những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là hoàn toàn thực hiện được. Lạm phát năm nay sẽ không quá 1,5-2%, trong khi GDP sẽ đạt ít nhất là bằng mục tiêu đề ra là 6,53%, đưa mức bình quân 5 năm suýt soát 6%. Sang năm 2016, tăng trưởng dự kiến là 6,7%.
Nền kinh tế vừa qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, dự toán ngân sách tính giá dầu 110 USD một thùng nhưng nay bán chưa đến 50 USD một thùng nhưng vẫn đảm bảo thu. Vừa qua, tăng trưởng Trung Quốc giảm nhưng Việt Nam có thể biến đó thành cơ hội cho mình… Điều đó cho thấy nền kinh tế xoay xở tốt, năng lực cạnh tranh phần nào được nâng cao.
– Vậy trong những yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh, ông thấy điều gì được cải thiện nhiều nhất thời gian qua?
– Đó là câu chuyện thể chế. Chúng ta đã tạo ra các luật, nghị định theo hướng minh bạch hơn như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Nghị quyết 19 thì cải thiện trực tiếp vào thủ tục hành chính. Tôi nghĩ đó là cái lớn nhất mà Việt Nam làm được.
Tăng hạng liên tục những năm qua nhưng Việt Nam vẫn ở ngưỡng trung bình của thế giới về năng lực cạnh tranh. |
– Dù thăng hạng liên tục trong những năm qua nhưng Việt Nam vẫn chỉ ở khoảng trung bình của danh sách. Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì để năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện?
– Phải chấp nhận cạnh tranh, đó là cách duy nhất. Ở diễn đàn sáng nay có ý kiến nói phải bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Tôi thì nói rằng việc chúng ta gia nhập các FTA một phần vì mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn, chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn để phát triển.
Đàm phán TPP, người ta đang nói nhiều về cơ hội nhưng thách thức là rất lớn. Thịt bò, sữa, nông sản… là những ví dụ. Nếu không chuẩn bị kỹ, chấp nhận cạnh tranh thì đừng nghĩ đến hội nhập, mà có khi mất thị trường ngay trên sân nhà. Đó là điều chúng tôi lo lắng và quan tâm nhất về năng lực cạnh tranh.
Nhật Minh