Nông nghiệp gặp khó khi Việt Nam tham gia FTA

Nhiều cơ hội và không ít thách thức tới cộng đồng doanh nghiệp đã được bàn thảo tại tọa đàm “Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do” trên cổng thông tin Chính phủ chiều 20/3. 

Bộ Công Thương cho biết, tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 FTA, trong đó 6 hiệp định khu vực Đông Á, ASEAN và một số đối tác bên ngoài. Cùng đó, Việt Nam đang đàm phán 7 hiệp định TPP khác.

Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánhdù ký nhiều hiệp định thương mại nhưng gần như các tác động của FTA lên thể chế kinh tế không nhiều bằng việc gia nhập WTO. Song, yêu cầu khắt khe về minh bạch là cơ hội để Việt Nam kiện toàn bộ máy Nhà nước theo hướng cải cách hành chính.

Đánh giá về cơ hội phát triển của các ngành, Thứ trưởng cho rằng hưởng lợi lớn nhất vẫn là xuất khẩu. Trên thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang có sự chuẩn bị khá tốt. Ngoài ra, một số ngành khác như: ôtô, sắt thép, ngân hàng, viễn thông… đều biết tiến trình hội nhập nên có khả năng ứng phó với cạnh tranh từ bên ngoài. 

“Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nhất. Đây là lĩnh vực khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Và khi phát triển, nhân công tăng thì cạnh tranh càng yếu đi. Do vậy cần có giải pháp cho ngành này”, Thứ trưởng cho hay.

Hưởng lợi lớn nhất từ quá trình hội nhập này, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận đã có sự thay đổi khá lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Sau WTO Việt Nam không có động lực để tạo thêm việc làm cho nguồn lao động trong nước. Nhưng với FTA lại khác, với đặc thù là xuất khẩu, cánh cửa thị trường của Việt Nam như được mở toang sau khi có các hiệp định”, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex cho hay.

Theo CEO Vinatex, sau FTA doanh nghiệp trong nước bắt đầu thấm thía và lao vào cạnh tranh.”Tất nhiên không có rủi ro thì không có lợi nhuận, bản thân việc kinh doanh luôn xác định được hoặc mất. Với trên dưới 7.000 doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực dệt nay hiện nay, không phải ai cũng thành công. Đó là quy luật của thị trường”, vị này cho hay.

Tuy nhiên cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đều lo ngại bất lợi lớn nhất của Việt Nam khi tham gia FTA chính là năng lực cạnh tranh khi vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu. Sức lực của doanh nghiệp cũng như năng lực tổng thể của nền kinh tế đều có vấn đề.

“Nay không chỉ đối mặt với cạnh tranh thế giới mà khả năng không tận dụng hết được cơ hội, đó chính là bất lợi”, Viện trưởng Viện kinh tế  Việt Nam – Trần Đình Thiên đánh giá. Theo vị này, đó là chưa kể đến việc Việt Nam phải chịu mức phí tổn không hề nhỏ để khắc phục điểm yếu nói trên.

Thành Tâm

0913.756.339