Tuần trước, Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên nộp đơn xin gia nhập ngân hàng này. Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Đức – Wolfgang Schaeuble và Bộ Tài chính Pháp cũng xác nhận có động thái tương tự. Cái tên tiếp theo được cho là Italy.
AIIB được thành lập tháng 10 năm ngoái bởi 21 quốc gia, dẫn đầu là Trung Quốc. Nhiệm vụ của họ là cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông và năng lượng châu Á. Tuy nhiên, Mỹ lại tỏ ra nghi ngờ các chuẩn mực quản trị của tổ chức này và coi AIIB là công cụ để Trung Quốc mở rộng “quyền lực mềm”.
Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình gặp gỡ khách mời trong lễ ra mắt AIIB năm ngoái. Ảnh: Reutes |
Tuần trước, Mỹ đã có thông báo “quở trách” hiếm hoi với Anh vì quyết định xin gia nhập AIIB. Khi được hỏi về việc này, người phát ngôn của Thủ tướng Anh – David Cameron cho biết trên BBC: “Sẽ có những lúc chúng tôi có cách tiếp cận khác nhau chứ”.
Dù vậy, vị này cũng khẳng định Anh sẽ đề nghị AIIB tuân thủ đúng các tiêu chuẩn ngân hàng. “Chúng tôi cho rằng việc này sẽ có lợi cho nước Anh”, người phát ngôn nói.
Bộ Tài chính Mỹ đầu tuần này cũng cho biết họ đồng ý rằng thế giới cần rất nhiều khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tổ chức mới nên “tuân thủ đúng các tiêu chuẩn cao mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau xây dựng”, và các thành viên mới của AIIB cũng nên “thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn này”.
Quan chức Mỹ và Australia cho rằng Anh quyết định gia nhập AIIB vì mục đích thương mại. Và London cũng không nhìn ra được được mục đích địa chính trị tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Financial Times cho biết truyền thông Hàn Quốc gần đây đưa tin nước này đang cân nhắc lại quyết định gia nhập AIIB. Trong khi đó, Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ trong khu vực và cũng là quốc gia lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nhất – được cho là sẽ không tham gia tổ chức này.
Hà Thu