Nhiều người mất nhà vì tín dụng đen

Bà Trần Thị Mùi (60 tuổi, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng nhiều nạn nhân khác ngồi xen lẫn trong các hàng ghế phía dưới của Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” diễn ra đầu tuần này tại ở Hà Nội. Câu chuyện mất sổ đỏ, mất căn nhà ven Hồ Tây của bà được nhiều người quan tâm.

so-do-1932-1441685672.jpg

Các luật sư khuyến cáo người dân không nên giao sổ đỏ hoặc ký nhận giấy mua bán nhà cho người khác, có thể gây nhiều rủi ro trong tương lai.

Chia sẻ với VnExpress, bà và con gái cho biết đầu tháng 4/2013, do cần tiền kinh doanh nên đã tìm đến một công ty ở quận Đống Đa để đặt vấn đề vay tiền, thay vì gõ cửa các tổ chức tín dụng. Tại đây, họ được bà Nguyễn Thị Hải Yến, người được giới thiệu Chủ tịch Hội đồng quản trị cho vay 200 triệu đồng sau khi đã thế chấp sổ đỏ căn nhà ở Tứ Liên đứng tên mình và chồng.

Tuy nhiên, do người chồng đã mất nên để hợp thức hóa tài sản thế chấp, công ty của bà Yến yêu cầu sổ đỏ chỉ được đứng tên người vợ là bà Mùi. “Bà Yến nói việc làm thủ tục này rất phức tạp và lâu, có thể vài tháng mới xong nên gợi ý sẽ làm hộ vì quen biết rộng các cơ quan liên quan”, chị Nguyễn Thị Thu Hương – con gái bà Mùi cho biết: 

Tuy nhiên, theo lời nạn nhân, bà Hải Yến đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin để chiếm đoạt giấy chứng nhận sử dụng nhà đất. “Một hôm tôi đang bán hàng ở chợ, bà Yến cho nhân viên đến tìm và bảo tôi ký vào một loạt giấy tờ để hoàn tất thủ tục thế chấp. Sau này, con gái tôi đến Sở Tài nguyên Môi trường tìm hiểu mới biết sổ đổ của gia đình đã được sang tên cho bà Yến từ tháng 5/2013 và bà ta đã thế chấp để vay ngân hàng”, bà Mùi kể.

Tình cảnh của bà Mùi cũng giống với nhiều nạn nhân khác có mặt tại hội thảo bởi họ cũng giao dịch với công ty của bà Nguyễn Thị Hải Yến để vay tiền. Ông Vũ Anh Tuấn, người đại diện cho các nạn nhân cho biết, hơn chục hộ gia đình đã tìm đến công ty này để vay tiền. Hầu hết mỗi người chỉ vay vài trăm triệu đồng, lãi tính theo ngày và thế chấp bằng sổ đỏ. “Chị Yến nói là việc ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ cho chị là nhằm bảo đảm chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc cho công ty. Chúng tôi tin là như vậy”, ông Tuấn giải thích. Đến nay, sổ đỏ của các nạn nhân đều đã bị công ty này “cắm” ở ngân hàng và vay hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Công ty Luật Trường Lộc cho biết, hầu hết những người đi vay không có kiến thức về pháp luật, họ chỉ biết một nguyên tắc cơ bản là mua bán chuyển nhượng nhà đất phải có việc giao nhà, nhận tiền nên mới ký hợp đồng chuyển nhượng mà không lường đến hậu quả.

Theo ông Chu Văn Tiến – Cục phó Cục Thi hành án TP Hà Nội, những trường hợp thu thập sổ đỏ của người dân nghèo, thiếu hiểu biết để lừa đảo, đẩy vào ngân hàng vay vốn xảy ra rất nhiều. Như tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), hàng loạt gia đình trong các thôn xã là nạn nhân của tình trạng ký giấy tờ khống nhưng mất nhà thật. Ông kể, chỉ trong một thôn có tới 16 hộ dân bị một công ty lừa. Nhiều người cả tin, cứ ký vào mọi giấy tờ người ta đưa cho vì nghĩ rằng “nhà này mình ở nhiều đời rồi, không ai có thể lấy được”.

Một trong những lý do khiến người dân tìm đến “tín dụng đen” bởi họ cho rằng khó vay vốn ngân hàng. Chia sẻ về thực tế này, đại diện Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, nhiều người đã không nhận ra rằng, với hình thức vay tín dụng đen này, lãi được tính theo ngày, tuần, hoặc nửa tháng một, lãi mẹ đẻ lãi con. Dần dần, chỉ sau 3-5 tháng, từ vay 30 triệu đồng có thể bị đội thành 100-200 triệu là bình thường. “Vì vậy, lời khuyên của tôi là người dân sau khi vướng vào tín dụng đen, cứ mạnh dạn tố giác với cơ quan công an thay vì cứ âm thầm cố gắng trả nợ, sẽ dẫn đến những câu chuyện rất đau lòng”, đại diện Phòng cảnh sát Hình sự cho biết.

Trong trường hợp bị lừa, ông Tiến cho biết người dân nên gửi đơn tố cáo, kèm theo các chứng cứ liên quan đến Tòa án Viện kiểm soát nhân dân cấp cao và Tòa án Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo ông, nếu gửi đến hai địa chỉ này, chắc chắn những đơn thư tố cáo sẽ được trả lời đầy đủ.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339