Hôm qua (31/3) là hạn chót Trung Quốc đặt ra cho các quốc gia muốn đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Hơn 40 quốc gia từ châu Âu, Trung Đông đến châu Á đã nộp đơn vào nhà băng này. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn lựa chọn đứng ngoài và cho biết có thể đăng ký sau nếu các điều kiện được đáp ứng.
“Đây không phải vấn đề hạn chót hay không. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi. Đó là phải thận trọng xem xét cách Trung Quốc điều hành AIIB”, Reuters trích lời một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết.
Nước này đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đồng minh lớn nhất của họ – Mỹ vẫn tỏ ý ngờ vực về AIIB. Tokyo thì đang đối địch với Bắc Kinh. Nhưng mặt khác, giới chức và doanh nghiệp Nhật cũng muốn tận dụng cơ hội hợp tác với nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc – Lou Jiwei tháng này cho biết AIIB sẽ thành lập cuối năm nay. Tất cả các bên sẽ hoàn tất đàm phán và ký hiến chương hoạt động vào giữa năm.
Hơn 40 quốc gia đã đăng ký làm thành viên sáng lập AIIB, trong đó có Anh, Đức, Nga, Australia, Brazil và Ai Cập. Hôm qua, Đài Loan (Trung Quốc) và Na Uy cũng đã có động thái tương tự.
Các nước sáng lập sẽ có quyền đặt ra nguyên tắc hoạt động và quản trị cho AIIB. Những thành viên vào sau sẽ vẫn có quyền bỏ phiếu, nhưng ít tiếng nói hơn trong việc đặt quy định.
“Lựa chọn duy nhất của Nhật Bản là không tham gia. AIIB là một thách thức với thế cân bằng đang được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì. Làm như vậy mà không có sự ủng hộ từ Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh của chúng tôi”, một cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết.
Một số nhà phân tích cho rằng thay vì tham gia AIIB, Nhật Bản có thể hợp tác với nhà băng này, thông qua ADB, khi đồng cấp vốn cho các dự án. “Một số công ty Nhật lo ngại họ có thể gặp bất lợi nếu nước mình đứng ngoài AIIB. Tuy nhiên, Nhật Bản không nên nhảy lên xe bus khi mới chỉ biết điểm đến của nó. Chúng ta phải suy nghĩ liệu ra có nhiều tiền để chi tiêu không, phải cân nhắc đến ngân sách nữa”, Toru Nishihama – nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết.
Hà Thu(theo Reuters)