Nhân viên ngân quỹ tất bật dịp cuối năm

Dù đã bước vào những ngày làm việc cuối cùng nhưng giống như thông lệ hằng năm, nhu cầu thanh toán qua hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh. Doanh nghiệp thì tiến hành chia thưởng và thanh toán lương cho nhân viên, người dân lại có nhu cầu chuyển tiền cho gia đình hay rút tiền tiêu Tết. Những lúc này, nhân viên ngân quỹ – những người quản lý tiền của ngân hàng phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Chị Trần Thị Thu Oanh – Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết cả phòng giao dịch hiện chỉ có 7 người nên phải hoạt động hết công suất. “Ngày nào mọi người cũng phải làm xuyên trưa nhưng cũng 8 giờ mới hết việc. Khổ nhất là nhân viên quỹ khi nhu cầu tiền mặt những ngày này lớn, phải thường xuyên trực, kiểm đếm, tiếp quỹ cho ATM để tránh sự cố”, chị cho biết.

ngan-hang-0-6923-1423825134.jpg

Nhân viên ngân quỹ tất bật kiểm đếm tiền dịp cuối năm.

Thông thường mỗi phòng giao dịch chỉ có một nhân viên quỹ, lo việc kiểm đếm, hạch toán tiền trong hệ thống. Tuy vậy, những ngày cuối năm, công việc của “người giữ tiền” lại gấp 3-4 lần ngày thường. Chị Thu – nhân viên ngân quỹ một ngân hàng ở Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho hay làm việc những ngày này luôn cảm thấy áp lực vì khách hàng quá đông.

“Mình đang có con nhỏ mà ngày nào cũng phải hơn 8 giờ mới về đến nhà. Cả ngày tất bật với việc kiểm quỹ, không lúc nào ngơi nghỉ thậm chí cả buổi trưa. ATM phải tiếp tiền liên tục do nhu cầu tiền mặt của người dân lớn”, chị chia sẻ.

Chung hoàn cảnh, Minh – nhân viên quỹ một phòng giao dịch trên đường Phạm Hùng (Cầu Giấy) cho biết dù “bận bù đầu” nhưng vẫn phải đến nhà khách VIP để lấy tiền, do những vị này cuối năm thường phát sinh nhu cầu gửi vào tài khoản. “Giờ ngay cả người nhà gọi điện cũng không có thời gian nghe vì quá bận. Làm quỹ thì khổ vô cùng, nhất là những lúc thiếu tiền tiếp ATM“, Minh than thở.

Đường phố cuối năm đông đúc cũng cản trở công việc của những nhân viên ngân quỹ, khi những xe chở tiền mất hàng tiếng đồng hồ di chuyển trong thành phố. Nhiều lúc kẹt xe, tiền không về kịp là ngân hàng “căng như dây đàn”.

Không chỉ các nhân viên ngân quỹ, giao dịch viên dịp sát Tết cũng bận rộn hơn hẳn ngày thường. Trong khi các công sở khác đang rộn ràng không khí sắm Tết, phòng giao dịch các ngân hàng rất đông đúc, song lại không hề vui vẻ. Giao dịch viên luôn phải thường trực trạng thái “quá bận để nói chuyện riêng” để có thể tiếp được hàng dài khách hàng đang chờ đợi.

Thùy – giao dịch viên một nhà băng trên phố Bà Triệu cho hay cuối năm doanh nghiệp đến làm ủy nhiệm chi, người dân đến rút tiền khiến mọi người trong phòng chóng mặt. Thậm chí, trong hai ngày làm việc cuối cùng, ngân hàng phải bổ sung thêm quầy “teller” để có thể đáp ứng hết các yêu cầu của khách.

“Nhiều khách hàng chờ lâu nên đã phàn nàn với ngân hàng. Có những doanh nghiệp đến làm ủy nhiệm chi, ngồi từ 15h nhưng đến 16h mới được vào quầy, song lúc đó thì ngân hàng không nhận nữa vì đã quá giờ làm thủ tục. Vậy là họ cáu. Khách hàng là thượng đế nên những lúc này cả phòng lại phải xúm vào xoa dịu, giải thích và hứa ưu tiên khi họ quay trở lại vào ngày mai”, Thùy than thở.

Ngày mai sẽ là ngày làm việc cuối cùng của hệ thống ngân hàng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, các nhân viên giao dịch đều khuyến cáo khách hàng đến giao dịch vào buổi sáng để không phát sinh trường hợp trễ thời gian thực hiện hay lệnh phát sinh lỗi.

Ngày 10/2, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng có văn bản về việc tăng cường bảo đảm an toàn kho quỹ hệ thống ngân hàng trong dịp Tết. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các nhà băng tiến hành kiểm tra, rà soát kho tiền, cửa kho tiền, các thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện vận chuyển, công cụ hỗ trợ bảo vệ … Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các tổ chức trên địa bàn, tránh các sự cố xảy ra trong kỳ nghỉ.

Phương Linh

0913.756.339