Nhà nước có thể thoái hết vốn ở lĩnh vực nhà đầu tư quan tâm

Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2015 ngày 6/8 ở TP HCM, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá lạc quan khi thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho thị trường như: thông qua Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)… Đặc biệt, Nghị định 60 của Chính phủ vừa ban hành cho phép nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% là một động thái rất tích cực.

Tuy nhiên, họ còn băn khoăn và e ngại khi những ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa có quy định cụ thể, Nhà nước sẽ khó buông hoàn toàn tỷ lệ sở hữu tại các lĩnh vực cốt cán như viễn thông, điện lực, dầu khí…

Đáp lại lo lắng của tổ chức, nhà đầu tư, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần trình bày với Chính phủ về vướng mắc của các nhà đầu tư tư nhân khi chỉ được nắm giữ cổ phần tối thiểu tại một số ngành nghề và Thủ tướng cũng đã hiểu điều này. Vì vậy, sắp tới Nhà nước sẽ xem xét và đưa ra tỷ lệ sở hữu cụ thể trong các doanh nghiệp”, ông Đông nói.

PHIEN-1-8949-1438872187.jpg

M&A trong năm nay sẽ có nhiều chuyển động tích cực.

Ông Đông cũng giải thích, trước đây, Chính phủ quan ngại việc cho các nhà đầu tư nước ngoài hay các tổ chức tham gia vào cung cấp dịch vụ công và kinh doanh một số ngành nghề quan trọng. Tuy nhiên, Nhà nước đã dần thay đổi cách đánh giá khi nhận thấy rằng khối tư nhân tham gia vào các hoạt động này rất tốt. Điển hình như một công ty ở phía Bắc, sau khi cổ phần hóa và Nhà nước không còn chi phối thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này tăng rõ rệt. Chất lượng và giá thành dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp rẻ hơn nhiều so với trước.

“Do vậy, lĩnh vực nào mà nhà đầu tư quan tâm thì Nhà nước có thể thoái vốn hết chứ không cần giữ lại. Điều kiện là các tổ chức đó cần làm theo chuẩn mực, đồng thời, cho ra sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Đông nói thêm.

Thứ trưởng cũng chia sẻ rằng, gần đây khá nhiều ý kiến cho rằng, khi mở cửa thị trường, nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền chi phối doanh công ty và chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng, trên thực tế, nhà quản lý luôn có những công cụ, chính sách phù hợp để làm sao điều hành thị trường minh bạch và cân bằng nhất. Từ đó, tạo điều kiện cho các thể chế kinh tế hoàn thiện, đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của ông Đông, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng đang mở rộng cửa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Suốt 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đang cố gắng đưa nợ xấu của các nhà băng về mức dưới 3%. Vì vậy, Nhà nước khuyến khích các ngân hàng yếu kém nên tự nguyện sáp nhập. Còn đối với tổ chức nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng cho họ tham gia vào quá trình tái cấu trúc nếu như họ có nguyện vọng”, ông Anh cho hay.

Khảo sát và theo dõi thị trường suốt nhiều năm qua, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định, thị trường chung đang có những diễn biến tích cực. Riêng với hoạt động mua bán sáp nhập, ngoài ngân hàng, bất động sản, bán lẻ thì nhóm ngành dược phẩm, viễn thông sẽ là một trong những nhân tố góp phần gia tăng giá trị thương vụ trong thời gian tới.

Số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng mạnh so với với 2013. Giá trị này đang ngày càng gia tăng khi 6 tháng đầu năm hàng loạt thương vụ M&A trong ngành bán lẻ đã diễn ra trót lọt. Dự báo, M&A trong 2015 có thể sẽ tăng không dưới 10%.

Còn Viện Sáp nhập, mua lại và liên kết (IMAA) chỉ ra rằng, Việt Nam đã có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp toàn cầu khi vươn lên xếp vị trí thứ 20.

Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì vị trí 20 về mua bán, sáp nhập là đáng chú ý.

Hồng Châu

0913.756.339