Người trồng mía điêu đứng dù giá đường cao bậc nhất thế giới

Liên tục mấy năm qua, giá mía nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến người trồng mía không có lời, dẫn đến diện tích trồng ngày càng teo tóp. Tại vùng trồng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang), nhiều nông dân ngán ngẩm với loại cây trồng chủ lực này.

Ông Võ Văn Năm (55 tuổi, ấp Phương An, xã Phương Bình) trần tình: “Không hiểu sao giá đường thì cao mà nhà máy mua mía của nông dân quá thấp. 3 năm nay, giá dao động 600.000-700.000 đồng một tấn, khiến nông dân làm cực khổ mà không có lời. Ấp này ngày trước có hơn 300 hộ trồng mía thì nay còn chưa tới 100, đa phần chuyển qua trồng cam, quýt hoặc làm lúa”.

mia-1_1429783678.jpg

Nông dân sản xuất mía nguyên liệu quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu dẫn đến giá thành cao, trong khi giá bán thấp nên không có lời.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết việc trồng mía chưa lúc nào khó khăn như bây giờ. “Cả vụ vừa rồi, tôi trồng 2,5 hécta nhưng chỉ lời chỉ chừng 12 triệu đồng sau một năm chăm sóc. Thu hoạch xong, tôi quyết định cho thuê toàn bộ đất nhưng mấy tháng trời chẳng ai để ý. Giá mía phải ít nhất từ 900.000 đồng một tấn trở lên thì nông dân mới sống được”, bà Thanh nói.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phụng Hiệp – Nguyễn Thế Tự cho hay, đến nay, nông dân trong huyện đã xuống giống 8.345 ha (giảm 1.200 ha so với vụ trước). Vì liên tiếp mấy năm qua, nhiều người trồng mía thua lỗ nên chuyển sang trồng cây ăn trái, lúa… theo đề án chuyển đổi của ngành nông nghiệp.  

Tương tự, theo thống kê của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), đến cuối năm 2014, diện tích mía chỉ còn gần 7.400 héc ta, giảm hơn 810 ha so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó có 347 héc ta được nông dân chuyển sang nuôi tôm. Còn tại huyện Long Phú, diện tích mía hiện chỉ còn khoảng 500 ha, giảm khoảng 50% so với năm 2012…

Thống kê sơ bộ tại huyện Mỹ Tú, có khoảng 40% số hộ nông dân sản xuất bị lỗ, 15-20% hòa vốn và phần còn lại có lãi nhưng cũng chỉ khoảng 10-15 triệu đồng một ha…  Trong khi đó diện tích mía của huyện Thới Bình (Cà Mau) giảm 200 ha, chỉ còn 1.500 ha. Người dân bỏ mía, đưa nước mặn vào nuôi tôm.

Theo kịch bản cam kết hội nhập, tới năm 2018, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0%, đồng nghĩa với ngành mía đường không còn bảo hộ. Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, phải nhanh chóng cơ cấu lại doanh nghiệp mía đường, áp dụng đưa công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm tốt với giá thành rẻ; từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh.

Thật ra, từ hơn 10 năm trước, khi các địa phương tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp mía đường đã xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn còn ở… phía trước. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nguyên liệu trong giá thành đường tại Việt Nam vào khoảng 12.000 đồng một kg, dẫn đến giá bán sỉ cho đại lý 14.500-15.000 đồng; bán lẻ tại các chợ, siêu thị 16.900-20.500 đồng một kg, đưa giá đường của Việt Nam đứng ở hàng cao nhất thế giới. Trong khi đó, giá thành sản xuất của quốc giá kề cận là Thái Lan chỉ 8.000 đồng một kg, còn mức trung bình của thế giới khoảng 10.000 đồng.

Giải thích điều này, lãnh đạo một doanh nghiệp mía đường lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, giá thành đường kết cấu chi phí nguyên liệu chiếm từ 75 đến 80%. Trong khi nguyên liệu mía Việt Nam có chất lượng xấu so với thế giới: chữ đường (CCS) chỉ đạt bình quân 10, trong khi thế giới CCS đạt từ 13-16. Năng suất mía tại Việt Nam khoảng 62 tấn một ha, trong khi bình quân thế giới là 120 tấn; giá mía các nước từ 24 đến 30 USD một tấn…

“Ngành mía đường trong nước có trụ được hay thất bại, chúng tôi đang tập trung giải quyết vấn đề này, tìm ra giải pháp để ngành mía đường Việt Nam trụ vững và phát triển trong thời buổi hội nhập để sớm báo cáo với Bộ nông nghiệp trong tháng 4 này” – Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long cho biết.

                        Cửu Long

0913.756.339