Người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu

Theo báo cáo mới công bố của ANZ, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam đã tăng 1,6 điểm lên 135,3 điểm trong tháng 9 và cao hơn 0,3 điểm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đạt mức tăng nhẹ bởi sự lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng nền kinh tế trong năm tới và 5 năm kế tiếp.

“Việt Nam tiếp tục khẳng định sự bình ổn đáng kể khi là nền kinh tế duy nhất ở châu Á không ghi nhận tăng trưởng âm về xuất khẩu và nhập khẩu. Việt Nam đã mạnh mẽ thoát khỏi sự suy thoái kinh tế trong khu vực”, ông Glenn Maguire – chuyên gia kinh tế của ANZ đánh giá.

Tuy nhiên, vị này cho rằng Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ môi trường thương mại toàn cầu đang suy yếu, và chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 9 cho thấy những tín hiệu đầu tiên về sự thận trọng của người tiêu dùng trong nước.

Số hộ gia đình cho rằng tình hình tài chính của họ sẽ tốt hơn trong một năm tới đang giảm, chỉ đạt tỷ lệ 55%, thấp hơn 3% so với tháng 8 – mức thấp nhất cho chỉ số này kể từ tháng 1/2015. Bù đắp lại sự suy giảm niềm tin vào tình hình tài chính cá nhân, niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam từ trung hạn đến dài hạn lại tăng khá mạnh mẽ.

“Những đánh giá tình hình tài chính cá nhân trong ngắn hạn có thể đã bị tác động bởi các chính sách giảm giá tiền đồng và nới rộng biên độ tỷ giá trong tháng 8. Các biện pháp này đã khiến nhập khẩu đắt hơn cho một hộ gia đình thu nhập mức trung bình ở Việt Nam”, chuyên gia của ANZ cho biết. Song về trung hạn, ông Glenn cho rằng đây là một lựa chọn chính sách thận trọng để giữ năng lực xuất khẩu cạnh tranh của Việt Nam và đảm bảo cho Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi suy thoái thương mại trong khu vực.

“Chúng tôi cho rằng khả năng niềm tin người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh là không có. Với dòng vốn đầu tư FDI mạnh mẽ trong những năm vừa qua tác động tích cực lên hoạt động thương mại của Việt Nam trong những tháng sắp tới, chúng tôi kỳ vọng cao về khả năng phục hồi của Việt Nam”, báo cáo của ANZ nêu.

Phương Linh

0913.756.339