Tại hội thảo điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/9, ông Lê Văn Duẩn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp (thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) nhận xét các loại thuế phí đang áp dụng đối với ngành than quá cao.
Theo đó, thuế chiếm 12,5% doanh thu bình quân than trong nước. Nếu xuất khẩu thì giá thành chịu thêm 20% thuế giá trị gia tăng đầu vào, thuế xuất khẩu. Trong khi ở một số nước như Australia, Nga, Trung Quốc thuế tài nguyên than cao nhất cũng chỉ 10%.
Do đó, ông Duẩn đề nghị giảm thuế môi trường tài nguyên cho hoạt động khai thác than và miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Ngoài ra, ngành than cần được cho vay vốn từ nguồn của Nhà nước, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ. Nhà nước cần cho phép ngành than thực hiện ngay giá bán than nội địa theo cơ chế thị trường, tương tự ngành dầu khí.
Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn – chuyên gia khoáng sản lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Sơn cho rằng mức tính toán giá bán than theo đề xuất là quá cao. Ngành than phải tính toán lại cho phù hợp, đặc biệt là khi bán cho hoạt động phát điện.
“Trong cơ chế thị trường không thể áp dụng chi phí định mức, lợi nhuận định mức nên việc đưa lợi nhuận định mức vào giá thành là không hợp lý. Điều này dẫn đến giá bán đội lên. Giá bán trong nước hơn 80 USD một tấn, trong khi nhập chỉ 60 USD. Với giá này, ai dại mua than của Việt Nam. Do vậy tôi đề nghị nên sớm hình thành thị trường cạnh tranh hoàn hảo cho ngành than”, ông Sơn nói.
Nhu cầu tiêu thụ than tăng mạnh thời gian qua, sản lượng than trong nước chỉ đủ cung cấp cho 27 nhà máy nhiệt điện. Từ năm 2017, các ngành sản xuất phân bón và xi măng thiếu than với mức dự kiến 3-5 triệu tấn mỗi năm.
Theo Pháp luật TP HCM