Ngành dược, điện, xi măng… bất lợi khi FED tăng lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố nâng lãi suất thêm 0,25%, sau 7 năm duy trì ở mức gần 0%; đồng thời đưa ra dự báo mức lãi phù hợp cho giai đoạn cuối năm 2016 là 1,375%. Sự kiện này được cộng đồng tài chính thế giới chờ đợi đã lâu, tuy không bất ngờ, song được đánh giá là sẽ ảnh hưởng lớn đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

nganh-duoc-dien-xi-mang-bat-loi-khi-fed-tang-lai-suat

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành phải vay nợ nước ngoài lớn được đánh giá sẽ khó khăn sau khi FED tăng lãi suất.

Đánh giá toàn cảnh về việc FED tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) cho biết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản, dệt may, công nghệ… sẽ được hưởng lợi lớn từ quyết định này, khi đồng USD sẽ được định giá cao hơn.

Theo đó, các cổ phiếu về thuỷ sản gồm VHC, FMC, IDI, HVG hay cổ phiếu dệt may như TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE… được nhận định tích cực, khi doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ, châu Âu, và Đông Á, trong khi có nguyên liệu đầu vào có giá ổn định. BSC cũng đánh giá tích cực với các cổ phiếu ngành công nghệ như FPT, CMG… do nguồn tiền thu về từ các mảng dịch vụ gia công phần mềm, thường được chi trả bằng USD.

Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất có ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành nhựa, vận tải biển, dược phẩm, săm lốp, điện, xi măng… và đặc biệt với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài lớn.

Tác động tới doanh nghiệp dược phẩm khá rõ khi chi phí đầu vào phụ thuộc chặt chẽ vào sự biến động của tỷ giá trong bối cảnh 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường đầu ra chủ yếu là trong nước, tương ứng với doanh thu là tiền đồng.

Với ngành săm lốp, bên cạnh cao su tự nhiên, chiếm 66% chi phí sản xuất kinh doanh còn lại là nguyên liệu nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước. Tương tự các doanh nghiệp nhựa như Tiền Phong, Bình Minh, Rạng Đông… cũng có 80% nguyên liệu hạt nhựa phải nhập khẩu và tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lớn .

Ở trường hợp các doanh nghiệp nhiệt điện và xi măng, nguy cơ lớn lại nằm ở việc lỗ tỷ giá, do đêì có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá không những làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá mà còn khiến các doanh nghiệp này phải đối mặt với nguy cơ lỗ tỷ giá lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các cổ phiếu có thể bị tác động là HT1, BCC, BTS, NT2, PPC; BTP, VOS, PVT, VTO…

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng FED nâng lãi suất là tin xấu cuối cùng tác động vào thị trường chứng khoán trong năm nay và đã được phản ánh vào chỉ số từ trước. Chứng khoán Việt Nam đã có một chuỗi giảm điểm mạnh từ cuối tháng 11 và kéo dài sang giữa tháng 12. Tính từ giữa tháng 11, chỉ số VN-Index đã giảm 37 điểm xuống còn 572 điểm.

Về phía khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang ồ ạt bán ra một lượng lớn cổ phiếu. Trải qua 11 phiên giao dịch của tháng 12, khối này bán ròng trên 8 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.900 tỷ đồng. Đây là mức bán ròng lớn nhất kể từ đầu tháng 8 khi đồng nhân dân tệ phá giá và Việt Nam nâng tỷ giá.

Ông Nguyễn Thế Minh – Trưởng phòng Khối phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ bước vào một chu kỳ tăng điểm trong ngắn hạn, khối ngoại sẽ bớt bán ròng và trở lại mua ròng vào cuối năm hoặc đầu năm mới, thị trường sớm hồi phục.

“Thực tế việc FED tăng lãi suất là một tin xấu với thị trường chứng khoán vì giới tài chính luôn cho rằng khi lãi suất tăng thì khối ngoại sẽ rút vốn khỏi nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, khối ngoại đã bán ròng suốt những ngày đầu tháng 12, giá cổ phiếu hiện tại đã phản ánh quyết định của FED rồi nên tôi cho rằng sau quyết định này thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm ngắn hạn”, ông Minh nhận định.

Theo đó, ngay sau khi FED tăng lãi suất, đồng đôla đã giảm giá mạnh, chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm. Trong đó, chỉ số Dow Jones nhảy vọt lên mức 224,18 điểm, tương ứng tăng 1,28%. Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,45%, Nasdaq Composite thêm 1,52%. Ông Minh cho rằng điều này có tác động rất lớn đến các quỹ ngoại đang rót vốn vào Việt Nam. Theo đó, FTSE Vietnam Index và Market Vectors Vietnam ETF thời gian trước liên tục bị rút chứng chỉ quỹ, khi chứng khoán Mỹ tăng điểm số lượng chứng chỉ quỹ này có thể tăng lên. Từ đó, các quỹ ngoại có thể tăng đầu tư vào Việt Nam, chấm dứt việc ồ ạt bán ròng.

Tương tự, đón nhận tin vốn được cho là tin xấu này, thị trường chứng khoán bất ngờ tăng điểm mạnh. Ngay 30 phút đầu tiên của của phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số VN-Index đã tăng 5 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng trước diễn biến mới, thanh khoản thị trường èo uột, dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường.

Về dài hạn, các chuyên gia thế giới dự báo mức lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên do kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn phù hồi tốt, mức lạm phát vẫn đang ở mức thấp so với mục tiêu 2%. Do vậy, nếu FED tiếp tục nâng lãi suất trong đầu năm 2016, sẽ có một làn sóng rút vốn khỏi nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ông Minh lại cho rằng Việt Nam mặc dù sẽ phải chịu ảnh hưởng của làn sóng này nhưng so với các nước trong nhóm thị trường mới nổi, cận biên…Việt Nam là hầm chú ẩn an toàn, ổn định nhất. Kênh FDI thu hút vốn cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Trần Hoàng Sơn- Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MBS cho rằng thị trường sẽ hồi phục và tăng điểm đầu năm 2016. Theo dõi dữ liệu trong lịch sự, khoảng 2 năm sau mỗi lần FED tăng lãi suất đồng đô la, chứng khoán thế giới và Việt Nam luôn có sự tăng trưởng mạnh.

Trước đó, BIDV đã nhận định thị trường ngoại hối của Việt Nam sẽ khá căng thẳng khi FED tăng lãi suất kết hợp với tính mùa vụ của nhập siêu và nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước. Mặt bằng giao dịch sẽ được thiết lập ở mức 22.450-22.500 đồng từ nay đến 2016. Lãi suất ngân hàng có thể tăng nhẹ 0,1%. Ngoài ra, làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam sẽ tăng mạnh theo quyết định này của FED. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng và xuất nhập khẩu tiếp tục ổn định.

Bạch Dương

0913.756.339