Quốc hội đang cân nhắc, thảo luận trước khi phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2013 vào ngày 10/6 tới. Một nội dung đáng quan tâm trong tờ trình của Chính phủ là bội chi vượt 41.000 tỷ đồng so với mức đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2013. Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải với VnExpress khoản lạm chi này.
– Với tư cách cơ quan thẩm tra, ông đánh giá thế nào về con số bội chi vượt 41.000 tỷ đồng so với mức cho phép của Quốc hội năm 2013?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính & Ngân sách – Phùng Quốc Hiển. Ảnh: N.H |
– Theo nghị quyết Quốc hội, bội chi ngân sách 2013 chỉ là 5,3%. Trong khi đó, Chính phủ đề nghị quyết toán mức 6,6%. Ban đầu Chính phủ dự kiến hụt thu lên đến 47.000 tỷ đồng nhưng cuối cùng chỉ hụt có 21.000 tỷ. Phần lớn bội chi được lấy từ số 26.000 tỷ đồng giảm hụt thu. Số bội chi tăng thêm này được chi cho các nhiệm vụ cấp bách như như đóng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, cho ngư dân vay…
Xem thêm: Hơn 600 đơn đăng ký đóng tàu cá, 31 người được vay |
– Bội chi cao hơn dự toán, vậy mà nhiều khoản mục quan trọng đã được duyệt chi nhưng thực tế lại chi không hết. Tại sao vậy thưa ông?
– Trong dự toán chi hằng năm, các khoản cho giáo dục chiếm 20%, khoa học công nghệ 2%, y tế thì cao hơn. Quốc hội rất quan tâm tới 3 ngành này. Nhưng thực tế là nhiều khoản chi lại không đạt dự toán, đồng tiền không phát huy hiệu quả. Đây là điều đáng tiếc, bởi nguồn lực đã bị lãng phí, làm cho các ngành này không phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là dự toán nhiều khi chưa phù hợp với thực tiễn. Ở các nước, ngân sách họ chi cho các khoản mục thực tế diễn ra, trong khi Việt Nam lại ấn định một khoản cứng trước.
– Vậy phải làm sao để giải quyết nghịch lý này?
– Để khắc phục, chúng tôi nghĩ nên đưa ra dự toán trung hạn. Ví dụ giáo dục vẫn có thể ở mức 20% nhưng là trong 5 năm. Từ đó, có năm chỉ đạt 15-16% song bù lại, những năm khác có thể lên đến 25%. Với thực tế của Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia hay ví von rằng miếng bánh ngân sách bị chia tỷ lệ bởi những chiếc kẹp sắt.
Ví dụ như khoa học công nghệ, nhiều năm liền vẫn không hoàn thành chi. Với cách thức hiện tại, chắc chắn nhiều năm tới vẫn không hoàn thành. Thay vào đó, Chính phủ cần đặt hàng, các tổ chức khoa học công nghệ sẽ đấu thầu, để sản phẩm có hiệu quả, tránh nhiều đề tài dù đạt điểm cao nhưng lại đưa vào tủ chứ không được ứng dụng.
Cần đổi mới cơ chế quản lý tài chính là phân bổ theo kết quả đầu ra. Nhà nước chỉ ứng trước cho anh một phần, đến khi nghiệm thu thấy có hiệu quả tôi mới trả hết. Tuy nhiên, việc này cũng phải từng bước, áp dụng trước hết cho khoa học, sau đó là giáo dục, y tế.
– Cách làm này sẽ tác động như thế nào đến quyết toán ngân sách, vốn được các đại biểu kêu ca là “quyết cái đã rồi”?
– Đúng là cũng có những cái là sự đã rồi nhưng không phải tất cả. Vì có kiểm toán, nếu phát hiện sai trái, nhiều khoản chi sẽ được thu hồi. Tất nhiên, cũng không phải khoản chi sai nào cũng loại được ngay nhờ kiểm toán, song khi kiểm tra lại, nếu thấy vẫn sai thì cơ quan giám sát có thể yêu cầu xuất toán.
– Gần đây Chính phủ có yêu cầu xem xét khả năng dùng quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay. Quan điểm của ông với vấn đề này ra sao?
– Chính phủ mới yêu cầu thảo luận thôi, chứ một khi thành đề xuất thì phải trình ra Quốc hội. Cá nhân tôi thấy nếu đi vay được các nguồn khác thì tốt hơn. Dù đã có một số nước vay quỹ này nhưng trong tình trạng cấp bách. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam không nhiều, nên cân nhắc vay trong dân, vay nước ngoài trước khi tính chuyện vay ngoại hối.
– Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng phương án này xuất phát từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ khó khăn, nhất là trái phiếu ngắn hạn?
– Phát hành trái phiếu là đi vay. Tất nhiên bây giờ đi vay sẽ khó khăn hơn, nhưng vay khó thì chi mới chặt được. Đây là một chủ trương lớn của Quốc hội. Việt Nam đang cơ cấu lại nguồn lực, vốn vay cần có lãi thấp hơn, thời hạn dài. Đi vay ngắn hạn mà đầu tư cho dài hạn như xây dựng cơ bản thì áp lực trả nợ sẽ tăng nhanh. Chúng ta đã có bài học, như Hy Lạp, Ireland là nhãn tiền.
Trung Đức