Ngân hàng Xây dựng thay ‘áo’ mới sau khi bị mua lại 0 đồng

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam chính thức thay nhận diện thương hiệu từ cuối tuần qua, với tên giao dịch mới là CB thay cho VNCB đã tồn tại hai năm qua. Logo của ngân hàng cũng được thiết kế lại, gồm hai chữ CB viết tắt từ tên tiếng Anh “Construction Bank” và biểu tượng với họa tiết cách điệu ô vuông trong đồng tiền cổ.

Đây là động thái trở lại thị trường đầu tiên của ngân hàng này sau gần 5 tháng chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank. Đồng bộ với hình ảnh nhận diện thương hiệu bước đầu được đổi mới, CB cũng đã tiếp nhận hỗ trợ chuyển giao từ Vietcombank về công nghệ ngân hàng, hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh, chia sẻ khách hàng… để khởi động lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh.

Dự kiến, trung tuần tháng 8 này, CB sẽ đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tín dụng ứng dụng tiện ích công nghệ cao trong xử lý, giải quyết thủ tục, hồ sơ vay… Bước đầu, ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay khách hàng cá nhân, mua ôtô, sửa chữa nhà…

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Xây dựng cho biết, trong thời gian 5 tháng tiếp quản nhà băng này, ban lãnh đạo xác định nhiệm vụ cốt yếu đầu tiên là xử lý nợ xấu. Gần ba phần tư lãnh đạo và các cán bộ phòng ban phải tập trung vào công tác thu hồi, giải quyết nợ xấu.

“Nhưng cái khó là phần lớn nợ xấu của ngân hàng đều vướng vào “vụ án” của hai cựu lãnh đạo nên không thể xử lý nhanh được. Những khoản nợ này hiện nay đều nằm trong đề án trình Chính phủ, vẫn chờ phê duyệt, nên chúng tôi chưa thể xử lý ngay mà chủ yếu lo củng cố lại hồ sơ để khi nào cấp thẩm quyền phê duyệt thì sẽ tiến hành giải quyết”, ông nói.

Riêng các khoản nợ xấu cho vay bên ngoài (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng), ông cho biết đang rốt ráo thu hồi. “Kết quả xử lý tương đối khả quan, dự kiến cuối năm sẽ thu hồi được tầm 20%”, vị này chia sẻ.

PM.jpg

Ngân hàng Xây dựng chuyển đổi nhận diện thương hiệu từ VNCB sang CB.

Ngoài ra, khâu tổ chức lại bộ máy hoạt động cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đề án vực dậy Ngân hàng Xây dựng. Sau thời gian tiến hành tái cơ cấu, ngân hàng bắt đầu thu hút khách gửi tiền vào hệ thống. Riêng cho vay, vì vẫn nằm dưới sự quản lý chặt của Nhà nước nên chưa thể đẩy mạnh. Ngoài việc được đảm bảo về tiềm lực tài chính từ phía Nhà nước, Ngân hàng Xây dựng còn được Ngân hàng Ngoại thương tham gia hỗ trợ về nhân sự và công nghệ. 

Ngân hàng Xây dựng tiền thân là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến được chuyển đổi lên mô hình đô thị năm 2006 với tên gọi mới là Đại Tín (TrustBank). Vào tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ.

Tháng 7/2014, hai lãnh đạo cao nhất của VNCB là nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh và nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt, vốn điều lệ bị âm do thua lỗ trong quá trình hoạt động. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định nên Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng.

Đến tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển đổi Ngân hàng cổ phần Xây dựng sang mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tham gia quản trị ngân hàng này, cắt cử cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành. Trong đó, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuân giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, và thôi nhiệm các chức vụ tại Vietcombank theo quy định, để tập trung cho cương vị mới. 

Lệ Chi

0913.756.339