Ngân hàng Việt chưa được cấp phép tại Myanmar

Nằm trong nhóm được chọn là 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản – Mitsubishi, Sumitomo Mitsui, Mizuho; Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC); Ngân hàng ANZ (Australia); Oversea-Chinese Banking Corp và United Overseas của Singapore; Bangkok Bank (Thái Lan) và nhà băng lớn nhất Malaysia – Malayan Banking.

Đại diện duy nhất của Việt Nam – Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) không có tên trong danh sách cuối cùng. Hồi tháng 7, BIDV đã được chọn vào top 25 để xét duyệt tiếp, trong số 30 nhà băng nộp đơn xin giấy phép kinh doanh tại đây.

myanmar-bank-6907-1412154064.jpg

Myanmar sắp có ngân hàng ngoại đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Ảnh: Bloomberg

Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh tại Myanmar. Dù vậy, các nhà băng sẽ chỉ được lập một chi nhánh và cho vay các công ty ngoại bằng ngoại tệ. Nếu muốn cho vay doanh nghiệp Myanmar, nhà băng đó sẽ phải hợp tác với một ngân hàng địa phương.

“Quá trình chọn lọc mất rất nhiều thời gian với mức độ cạnh tranh chưa từng có. Các ngân hàng chưa bao giờ kỳ vọng sẽ được kinh doanh đầy đủ các mảng. Họ chỉ cần có hoạt động thương mại tại đây mà thôi”, Veronica O’Shea tại Herbert Smith Freehills (Singapore) cho biết trên Reuters.

“Dựa trên quy mô, tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Myanmar được dự đoán là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong trung hạn”, Andrew Geczy – CEO mảng ngân hàng quốc tế tại ANZ cho biết.

Giấy phép trên sẽ có thời hạn ban đầu là 12 tháng. Trong thời gian này, các ngân hàng cần tuân thủ các điều kiện của ngân hàng trung ương trước khi được cấp phép chính thức. Vốn đầu tư tối thiểu ban đầu là 75 triệu USD.

Trước khi cải cách kinh tế năm 2011, ngành ngân hàng Myanmar đã bị quốc hữu hóa suốt vài thập niên, chỉ mở cửa cho sở hữu tư nhân từ những năm 90. Nước này hiện có 4 ngân hàng quốc doanh, 22 nhà băng tư nhân và 42 văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài.

Hà Thu

0913.756.339