Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 25/3, bà Hồng cho rằng mặt bằng tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần tỷ giá 21.673 đồng, giá bán ra tại các ngân hàng đều dưới 21.500 đồng. Theo bà, những biến động trên thị trường vừa qua chủ yếu do tâm lý còn cung cầu ngoại tệ cơ bản không biến động lớn.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo chiều 25/3. |
Cùng đà tăng giá đồng đôla, nhiều nước cũng chủ động phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Do đó, đề xuất tăng tỷ giá để tăng sức cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam với các nước bạn hàng lại được đặt ra. Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, những nước bạn hàng chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, khối ASEAN thì đồng nội tệ của họ lại mất giá ít hoặc thậm chí hầu như không đổi so với USD nên những lo lắng về sự cạnh tranh không đáng kể.
“Ngân hàng Nhà nước thấy rằng việc tiếp tục ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh trong giai đoạn này”, đại diện nhà điều hành khẳng định.
Sáng 25/3, Phó vụ trưởng Vụ kinh tế dịch vụ Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Quốc Anh cũng đề cập tới vấn đề tỷ giá trong cuộc họp của cơ quan này. Theo ông, không nên đặt vấn đề phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu lúc này. Theo ông, Việt Nam xuất siêu chủ yếu là FDI nên phá giá chưa hỗ trợ xuất khẩu nhiều. “Nếu tăng tỷ giá 1% thì chỉ giúp xuất khẩu tăng hơn 0,27%, còn nhập khẩu thì lại tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến tình hình trong nước”, ông cho biết.
Không chỉ vậy, đại diện cơ quan này cũng cho biết áp lực vay nợ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu tăng tỷ giá. Cụ thể, nếu tỷ giá tăng 1% thì nợ nước ngoài thêm 10.000 tỷ đồng. Trao đổi với VnExpress, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận đây là một áp lực cần tính tới khi điều hành tỷ giá.
Ngay đầu năm, tỷ giá đã tăng 1%. Tháng 3, tỷ giá trong nước chịu áp lực ngày một lớn khi đồng đôla Mỹ lên cao nhất trong hơn một thập kỷ so với EUR và trong 8 năm so với JPY. Giá đôla ngân hàng có thời điểm vượt 21.570 đồng còn tự do có lúc trên 21.800 đồng.
Thanh Thanh Lan – Phương Linh