Thông tin trên được Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ tại cuối hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra hôm nay (23/10) tại Hà Nội. Theo người đứng đầu cơ quan thanh tra ngân hàng, trong vòng 3 năm, hơn 98% nợ xấu đã được xử lý thông qua việc trích lập dự phòng, thu hồi nợ và qua Công ty Mua bán nợ xấu VAMC.
Tổng nợ xấu toàn ngành vào tháng 9/2012, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước là 465.000 tỷ đồng. Đến 30/9, tỷ lệ này theo ông Nghĩa chỉ còn 2,93%. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cam kết với Chính phủ sẽ đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3% trong năm 2015.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, phần lớn nợ xấu xử lý chủ yếu được gói ghém qua VAMC (chiếm khoảng 45%). Chủ tịch VAMC – ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết đến nay, công ty này đã mua được 225.000 tỷ đồng nợ gốc của 139 tổ chức tín dụng. Sắp tới, VAMC sẽ phân loại nợ và xử lý số đã mua.
Chia sẻ về những khó khăn của VAMC trong việc bán nợ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết cần nhìn nhận nợ xấu là tài sản không sinh lời của doanh nghiệp và không nên cố gắng bán bằng mọi giá. “Giá bán tài sản của doanh nghiệp rẻ mạt thì chính không ai khác chính doanh nghiệp phải chịu thiệt hại lớn. Dù sao VAMC vẫn là sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh không sử dụng ngân sách”, ông Nghĩa cho biết.
Thanh Thanh Lan