Theo tinh thần dự thảo Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra trưng cầu ý kiến, nếu muốn cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng, thì ngân hàng thương mại phải thành lập công ty tài chính.
Dự thảo thông tư không phân biệt cho vay tiêu dùng phục vụ đối tượng đủ chuẩn hay phi chuẩn, mà chỉ nói chung là người tiêu dùng. Điều này có thể hiểu rằng, ngân hàng muốn cấp tín dụng thông qua những hình thức trên dù là với khách hàng “đủ chuẩn” hay phi chuẩn cũng đều không được triển khai mà phải thông qua công ty tài chính con.
Các chuyên gia cho rằng nên để ngân hàng tự cân nhắc việc lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Ảnh: PV |
Thực tế thời gian qua, cho vay tiêu dùng là một trong những sản phẩm quan trọng của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho vay tiêu dùng và chứng khoán trên địa bàn hiện chiếm khoảng 8% tổng dư nợ, trong đó chủ yếu là cho vay tiêu dùng. Nợ xấu đối với cho vay tiêu dùng của ngân hàng tại TP HCM đến hết tháng 8 chiếm khoảng 2% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, thấp hơn con số nợ xấu chung của ngành ngân hàng trên địa bàn cùng thời điểm khoảng trên 4,5%.
Lãnh đạo một ngân hàng ngoại khá mạnh về mảng bán lẻ tại Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng chiếm tới 30% trong phân khúc bán lẻ của nhà băng ông. “Ngân hàng chúng tôi đang đẩy mạnh mảng này”, vị này chia sẻ.
Ông cho biết thêm, sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, ban lãnh đạo ngân hàng đã có cuộc họp bàn về vấn đề trên và có phần quan ngại. “Tuy nhiên, vì đây chỉ mới là dự thảo. Khi nào có thông tin chính thức thì chúng tôi mới có những quyết sách để ứng phó phù hợp”, ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) thông tin, lĩnh vực cho vay tiêu dùng của ACB hiện nay phát triển khá mạnh và có bộ phận chuyên trách riêng.
Do đó, ông Toại cho rằng, nếu dự thảo thông tư được thông qua thì ngân hàng không quá lo ngại. Bởi sản phẩm, guồng máy, nhân lực… đã có sẵn, nếu nhà quản lý yêu cầu phải lập công ty tài chính thì ngân hàng sẽ đi xin phép để lập công ty tài chính làm công ty con và điều chuyển nhân sự qua là xong.
Ông Toại chia sẻ thêm, thực ra động thái này của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ muốn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Bởi, hiện nay cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng đẩy mạnh nhưng nó là khoản vay có độ rủi ro cao. Do đó, việc tách phân khúc này ra khỏi ngân hàng để nếu có phát sinh nợ xấu, mất vốn từ các khoản cho vay này thì nó chỉ khoanh vùng trong quy mô của công ty tài chính con và không làm ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.
Tuy nhiên, đứng về khía cạnh một chuyên gia độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích, chiếu theo thông lệ quốc tế thì hiện nay hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn do hai định chế tài chính triển khai gồm: ngân hàng thương mại và công ty tài chính.
Sở dĩ có hai định chế cùng tham gia là vì mỗi loại hình có những điều kiện và ràng buộc khác nhau. Với ngân hàng thì sẽ phục vụ cho những khách hàng có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và lãi suất thì cũng khá thấp.
Trong khi đó, những khách hàng đại chúng (phi chuẩn) có thu nhập trung bình, thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng… thì họ sẽ tìm đến công ty tài chính và chấp nhận những mức lãi suất cao hơn. Đây là phân khúc khách hàng mà ngân hàng không hướng tới.
“Và chính những điều này sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của khách hàng. Với những người đủ điều kiện thì vay ngân hàng, còn không đủ điều kiện thì tìm đến công ty tài chính”, ông Hiếu nói.
Ở Việt Nam, thời gian qua dù không có quy định cụ thể về các trường hợp nào thì vay ngân hàng, trường hợp nào thì vay công ty tài chính, nhưng thực tế đã có sự “tự giác” phân loại đối tượng khách hàng. Điều này có nghĩa là với những khách hàng không chứng minh được thu nhập, không đảm bảo một số điều kiện nhất định… thì họ tìm đến công ty tài chính, và ngược lại thì sẽ gõ cửa ngân hàng. “Do đó, nhà quản lý không cần thiết phải bắt các ngân hàng ngưng triển khai cho vay tiêu dùng, thay vào đó phải lập ra công ty tài chính”, ông chia sẻ.
Một chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhìn nhận, cùng là triển khai cho vay tiêu dùng nhưng cách thức triển khai sản phẩm cũng như lựa chọn đối tượng của ngân hàng và công ty tài chính thời gian qua là rất khác nhau. Chẳng hạn, ngân hàng khó mà cho vay với những khách hàng phi chuẩn để mua các đồ gia dụng lặt vặt như bếp ga, nồi cơm điện… nhưng công ty tài chính thì rất thích. Và công ty tài chính sẽ ngại cho vay những khoản tiền lớn để mua nhà, mua xe ô tô (thường là khách hàng thu nhập cao, điều kiện đảm bảo), còn ngân hàng thì rất chuộng.
Từ những phân tích trên, theo ông việc lập ra công ty tài chính hay không chỉ nên để các ngân hàng tự cân nhắc. Nếu ngân hàng muốn hướng đến nhóm khách hàng phi chuẩn, cho vay những khoản tiêu dùng rủi ro cao thì họ có thể tách ra và lập thành công ty con là công ty tài chính để cho vay. Trường hợp mất vốn thì chỉ nằm trong khuôn khổ của công ty tài chính chứ không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng. Còn những trường hợp cho vay mua nhà, ô tô… dành cho những khách hàng đủ chuẩn thì vẫn nên để ngân hàng triển khai.
Thực tế thời gian gần đây, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng đối với phân khúc khách hàng phi chuẩn, một số ngân hàng thương mại đã và đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng.
Cụ thể như Ngân hàng Phát triển TP HCM đã mua lại Công ty tài chính Việt-SGVF, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng mua lại Công ty tài chính Than khoáng sản và chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Tiến sĩ Hiếu kết luận, không nên bắt các ngân hàng thành lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng mà hãy để cả hai loại hình cùng song song thực hiện với những điều kiện khác nhau. “Nên để các ngân hàng, công ty tài chính tự vận động nhưng cần có cơ chế quản lý, giám sát hợp lý vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, vừa để hai định chế trên vận hành đúng luật”, ông khuyến nghị.
Lệ Chi