Hữu Thành, nhân viên phòng công nghệ thông tin thuộc một ngân hàng cổ phần có hội sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM cho biết, mới đây anh vừa quyết định vay thấu chi 10 tháng lương (tầm 130 triệu đồng) tại ngân hàng nơi anh đang công tác với lãi suất 6% một năm trong vòng 12 tháng. Số tiền này ban đầu anh dự tính để sửa nhà nhưng sau đó vì nhiều lý do mà chưa triển khai được.
Ngay lúc đó, anh có người bạn làm bên bộ phận khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác cho biết đang huy động vốn với mức 7,2% một năm dành cho kỳ hạn 12 tháng. “Thế là tôi mang ngay số tiền này gửi luôn. Tôi khá bất ngờ và thắc mắc vì sao lãi suất cho vay lại thấp hơn huy động”, anh Thành chia sẻ.
Câu chuyện trên của anh Thành cùng những thắc mắc kèm theo ấy không phải là cá biệt. Hiện nay, không chỉ chính sách cho vay thấu chi với mức ưu đãi dành cho các nhân viên, nhiều ngân hàng còn công bố các gói cho vay ra thị trường với lãi suất khá thấp, thậm chí bằng 0% trong thời gian đầu.
Như Ngân hàng Bản Việt vừa ký kết với một công ty bất động sản để đưa ra gói cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, lãi suất 0% trong những tháng đầu. Hay như trường hợp của Ngân hàng Ngoại Thương cho vay mua nhà với lãi suất 7% trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng cho vay với mức dao động 6-7%.
Trong khi đó, ở chiều huy động, hiện nay lãi suất đầu vào của các ngân hàng cao nhất thường tập trung ở kỳ hạn 13 tháng. Chẳng hạn Eximbank áp mức lãi tiền gửi 13 tháng là 7,50%, Sacombank 7,55%, các kỳ hạn khác lần lượt thấp hơn vài điểm phần trăm.
Vì sao lãi suất cho vay thấp hơn huy động? |
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhìn nhận việc cho vay với lãi suất 6 – 7% không phải là phổ biến của các ngân hàng, mà chỉ trong một số trường hợp nhất định. Thứ nhất là cho vay thấu chi chính nhân viên ngân hàng. Đây là chính sách hỗ trợ nhân viên, do vậy các ngân hàng chỉ cho vay bằng lãi suất huy động (có thể thấp hơn mức huy động cao nhất của ngân hàng bạn).
Thứ hai là để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng chỉ hỗ trợ mức lãi suất thấp trong một thời gian ngắn cho khách hàng, sau đó sẽ điều chỉnh lên, và tất nhiên là cao hơn nhiều so với huy động.
Thứ ba là ngân hàng kết hợp với người bán để tạo hấp dẫn cho người mua trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng điện máy,… Khi đó, bên bán hàng sẽ bù phần lãi suất để bán được hàng. Tuy nhiên, trong các trường hợp vay mua nhà này thì thông thường, các ngân hàng cũng chỉ áp dụng lãi suất vay thấp (khuyến mãi) thời gian đầu khá ngắn, trong khi hợp đồng vay kéo dài ít cũng 10 năm. Sau thời gian khuyến mãi, lãi suất vay sẽ được tính định kỳ hằng quý và người vay cần tính toán kỹ.
Ông Hiển cũng phân tích thêm, xét mức huy động trung bình hiện nay (bao gồm cả huy động có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán…) thì dao động tầm 5-6% tuỳ ngân hàng. Tuy nhiên, mức 5-6% này chỉ cho vay được 80 – 85% trên tổng vốn huy động được. Đó là chưa kể chi phí hoạt động, rủi ro… Do vậy, ngân hàng phải cho vay khoản lãi suất 9% với vốn lưu động, và 10 – 12% vốn trung – dài hạn mới có lãi.
Còn Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM cũng cho rằng, trên thực tế nếu để ý kỹ về điều khoản vay, khách hàng sẽ thấy lãi suất vay ưu đãi 6-7% tại các ngân hàng chỉ được áp dụng trong vài tháng đầu tiên (trừ trường hợp ưu ái cho nhân viên của ngân hàng thấu chi) sau đó sẽ điều chỉnh theo quy định của nhà băng. Trong khi đó, khoản vay của khách hàng dùng để mua nhà thường có thời hạn khá dài và không biết lãi suất sẽ biến động đến mức nào.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, điểm cần chú ý khi vay vốn là hầu như các nhà băng điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ, chưa kể nhiều ngân hàng đưa ra kỳ hạn điều chỉnh lãi suất khá ngắn cộng với biên độ cao. Do đó, đừng nhìn vào mức lãi suất được hưởng ưu đãi trong thời gian đầu mà nghĩ rằng lãi suất cho vay rẻ hơn huy động rồi mạnh tay “mượn tiền” ngân hàng. Nếu không cẩn trọng khách hàng có thể rơi vào “bẫy” lãi suất cao trong tương lai.
Lệ Chi