Đại diện Venezuela – quốc gia thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, nguồn tin trên không tiết lộ các vấn đề sẽ được bàn bạc trong cuộc họp.
Ảrập Xêút từ lâu vẫn luôn khẳng định không giảm sản xuất để giải quyết vấn đề dư cung toàn cầu, trừ phi các nước lớn ngoài OPEC chịu hợp tác. Bên cạnh đó, dù ông Novak cho biết có thể cân nhắc giảm sản lượng nếu các nước lớn cũng làm điều tương tự, thì tuần trước, Igor Sechin – CEO hãng dầu mỏ lớn nhất Nga – Rosneft lại tuyên bố sẽ bảo vệ các thị trường truyền thống và bày tỏ lo ngại về khả năng hợp tác.
Tuy nhiên, giá dầu năm nay đã giảm sâu, nhiều lần xuống dưới 30 USD một thùng. Việc này đã khiến tài chính các nước phụ thuộc vào dầu mỏ lao đao. Nó cũng làm dấy lên đồn đoán hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – Nga và Ảrập Xêút có khả năng đàm phán một thỏa thuận nào đó.
Ali al-Naimi – Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ảrập Xêút. Ảnh: Bloomberg |
“Cuộc gặp do Qatar làm cầu nối này đã được chuẩn bị từ trước. Hiện tại vẫn còn rất sớm, và chưa có thỏa thuận nào chắc chắn cả. Nhưng người ta ngày càng tin các nước sẽ linh hoạt hơn, dù Ảrập Xêút luôn nói ai cũng phải giảm sản xuất”, Amrita Sen – nhà phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects tại London cho biết.
Giá dầu Brent sáng nay tăng 3,5% lên 34,56 USD một thùng. Còn dầu WTI tăng 4,6% lên 30,8 USD.
OPEC và các nước không thuộc tổ chức này đã vài lần bàn bạc về dầu thô từ sau tháng 11/2014 – thời điểm OPEC lần đầu quyết định không giảm sản xuất để cứu giá dầu. Tháng đó, Ảrập Xêút, Venezuela, Nga và Mexico đã nhóm họp tại Vienna (Áo) mà không đạt thỏa thuận nào. Chuyến đi của Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela – Eulogio Del Pino tháng này tới các nước sản xuất lớn, từ Nga đến Ảrập Xêút, cũng không có kết quả.
Dù vậy, tín hiệu về khả năng đạt thỏa thuận đã khiến thị trường rung lắc nhiều ngày nay. Dầu WTI đã tăng giá 12% thứ Sáu tuần trước, sau khi Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) khẳng định lại quan điểm của OPEC rằng nhóm này sẵn sàng hợp tác với các nước phi OPEC.
Cuộc họp hôm nay gợi nhớ đến thời điểm cuối thập niên 90. Khi đó, với sự trợ giúp của Mexico, OPEC đã sử dụng quyền lực ngoại giao để thực hiện hàng loạt cuộc họp bí mật từ Miami đến Amsterdam, và kết quả là sản xuất đã được cắt giảm phần nào.
Hà Thu (theo Bloomberg)