Ông Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ với VnExpress về tiềm năng phát triển của dịch vụ ví điện tử, trong đó có ứng dụng MoMo do M_Service cung cấp tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Tường – Phó tổng giám đốc M_Service. |
– Ra đời khi ngân hàng đã phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử hơn 10 năm, các hãng viễn thông cũng chạy đua phát triển tiện ích thanh toán cho thuê bao của mình, M_Service xác định vị trí của mình trên thị trường sẽ thế nào?
– Theo thống kê của IDC Asia Pacific vào cuối năm 2014, người dùng smartphone chiếm 43,2% tổng số thuê bao di động tại Việt Nam. Các dịch vụ trên mobile theo đó cũng bùng nổ, dự kiến Mobile Commerce và Mobile Game đạt doanh thu thị trường từ 500 triệu đến một tỷ USD năm 2015.
Tuy nhiên, kênh thanh toán trên mobile chủ yếu tập trung vào sử dụng thẻ cào của các công ty viễn thông. Tuy nhiên, thẻ cào thường thanh toán các giao dịch có giá trị tương đối nhỏ và tập trung vào dịch vụ nội dung số có biên lợi nhuận rất cao do chi phí sử dụng kênh thanh toán sử dụng thẻ cào lên đến 15-20%. Do chi phí quá cao, một số đơn vị tự phát hành thẻ, tuy nhiên chi phí phát hành thẻ cũng lên tới 8-10% và rất tốn công. Khi thanh toán các dịch vụ có giá trị cao và có biên lợi nhuận mỏng hơn thì thẻ cào bộc lộ nhiều hạn chế.
Như vậy một giải pháp đa dạng, làm cầu nối giữa tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng sẽ hỗ trợ thị trường Mobile Commerce có những phát triển đột phá.
Nắm bắt như cầu này MoMo triển khai nhiều giải pháp công nghệ thanh toán đa dạng như dịch vụ vé xem phim, e-voucher giảm giá, vé máy bay, thanh toán hoá đơn điện nước, nạp tiền điện thoại… ngay trên ứng dụng MoMo cũng như cung cấp nền tảng SDK (Software Development Kit) cho các nhà cung cấp dịch vụ tự tích hợp vào ứng dụng của họ.
Về phía người dùng cá nhân, ứng dụng MoMo hoạt động như một chiếc ví trong đó khách hàng có thể liên kết tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng hay thẻ tín dụng. Nhờ đó, dù mua hàng ngay trên ứng dụng MoMo hay “gọi” MoMo này để thanh toán từ ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng chỉ cần thao tác thanh toán với một chạm (one touch) mà không cần nhập lại các thông tin thẻ hay thông tin tài khoản.
– Ông đánh giá thế nào về những kết quả MoMo đã đạt được?
– Với lượng giao dịch và khách hàng tăng trưởng 30-50% một tháng, MoMo đang tăng trưởng vượt kỳ vọng so với kế hoạch 2015. Dự kiến MoMo sẽ đạt mốc một triệu khách trong quý IV/2015 và đạt được mục tiêu giai đoạn 2013-2015 là trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhỏ và thanh toán trên di động hàng đầu tại Việt Nam.
Hiện tại M_Service xây dựng 3.000 điểm giao dịch trên toàn quốc, phục vụ khách hàng nạp, rút. Chúng tôi cũng hoàn thành mục tiêu phát triển ứng dụng MoMo chuyển nhận tiền trên các nền tảng iOS, Android, Windows Phone.
Ví điện tử này có thể kết nối với 23 ngân hàng, thẻ tín dụng Visa, Mastercard nhằm tạo nguồn tiền vào ví điện tử; kết nối với trên 70 nhà cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, thu hộ cho người dùng.
– Số lượng ví điện tử trên toàn thị trường đang tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua, nhưng tỷ lệ kích hoạt và các giao dịch tài chính phát sinh trên ví chưa nhiều, dễ khiến liên hệ tới tình trạng thẻ ảo, thuê bao ảo. Ông lý giải hiện trạng này thế nào?
– Chỉ cần khuyến mại là có thể dễ dàng có một khách hàng mới. Tuy nhiên, để khách hàng đó tiếp tục sử dụng mới quan trọng.
Trong thời gian qua, việc cung cấp một trải nghiệm thân thiện người dùng chưa được thực hiện tốt (thông thường người sử dụng phải có thao tác nạp tiền vào ví và thao tác này thường tương đối phức tạp). Do vậy họ đăng ký nhiều nhưng tiếp tục sử dụng thì thấp, tạo ra số lượng ví nhiều nhưng giao dịch thấp.
Khách hàng của MoMo chỉ cần đăng ký thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng một lần đầu. Các lần sau, ứng dụng MoMo phối hợp với tổ chức thẻ tín dụng và ngân hàng sử dụng công nghệ Tokenization. Do đó, khách hàng không cần nạp tiền vào ví mà có thể sử dụng ngay nguồn tiền từ thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng của mình để thanh toán chỉ với một lần chạm và vẫn an toàn và bảo mật.
– Bên cạnh các đối thủ lâu năm như ngân hàng, MoMo đánh giá thế nào về áp lực cạnh tranh khi thế giới có những phương thức thanh toán hiện đại hơn như Apple Pay, Samsung Pay?
– Đầu tiên tôi xin khẳng định lại MoMo không cạnh tranh với ngân hàng. Để hiểu rõ hơn tôi xin lấy ví dụ về Apple Pay, Apple Pay và ngân hàng rõ ràng không phải đối thủ cạnh tranh vì bản chất iTune hoạt động như một cái ví trong đó có lưu thẻ tín dụng của người dùng và để mua hàng online như mua ứng dụng, mua nhạc… Apple Pay theo một nghĩa nào đó đã tồn tại từ rất lâu trước khi Apple công bố ra đời Apple Pay vào ngày 20/10/2014. Paypal là cánh tay nối dài của ngân hàng, là trung gian thanh toán giữa ngân hàng và các cửa hàng online trên eBay.
Dễ thấy ứng dụng MoMo hoạt động tương tự và là nền tảng công nghệ để kết nối các thành phần của hệ sinh thái gồm ngân hàng, tổ chức tài chính, nhà cung cấp dịch vụ (merchant) và người dùng.
Từ góc độ cạnh tranh với Apple Pay, Samsung Pay, tôi tin tưởng rằng một dịch vụ thanh toán tốt phải là một dịch vụ làm tốt việc hỗ trợ thanh toán cho các dịch vụ địa phương. do vậy điều quan trọng là phải hiểu hành vi và hoàn cảnh người dùng ở từng vùng miền để có thể cung cấp được dịch vụ tốt nhất. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn không ngại cạnh tranh các sản phẩm nước ngoài.
Ví dụ như Samsung Pay và Apple Pay đều sử dụng công nghệ NFC làm nền tảng cho việc thanh toán. Tuy nhiên có vấn đề phát sinh là việc bật NFC là rất tốn pin của điện thoại không phụ hợp với các điện thoại giá tầm trung mà người dùng trong nước đang sử dụng, chưa kể việc bật NFC lên cũng là một thao tác không thân thiện với người dùng. Ngược lại, qua nghiên cứu thói quen người dùng trong nước, chúng tôi nhận thấy công nghệ QR Code rất thân thiện và đơn giản với người Việt.
Hiểu nhu cầu, biết áp dụng đúng công nghệ, phát triển những tính năng dịch vụ thân thiện, gần gũi với người dùng Việt Nam sẽ là lợi thế lớn của chúng tôi so với các đối thủ quốc tế.
– Đâu là thách thức cho sự tồn tại và phát triển của các loại ví điện tử như MoMo tại thị trường Việt Nam?
– Bản chất MoMo là một sản phẩm của một công ty FinTech, sử dụng công nghệ để giải quyết một vấn đề trong lĩnh vực tài chính. Mỗi công cụ thanh toán sẽ được sử dụng trong một tình huống thanh toán cụ thể. Vì vậy cần xác định tình huống thanh toán đó, xây dựng hệ sản phẩm, hệ sinh thái đảm bảo khách hàng có trải nghiệm tốt nhất trong tình huống thanh toán đó.
Ví điện tử là một sản phẩm tài chính, vì vậy uy tín thương hiệu là rất quan trọng. Và điều này chỉ có thể xây dựng bằng việc cung cấp dịch vụ chất lượng, ổn định trong thời gian dài cho khách hang.
– Định hướng và mục tiêu phát triển dịch vụ của MoMo thời gian tới?
– Chúng tôi định hướng vào hai mục tiêu cá nhân hóa và mở rộng liên kết. Đối với cá nhân hóa, ứng dụng MoMo sẽ nhắc lịch thanh toán tiền điện, tiền nước, thống kê chi phí tiêu vặt hàng tháng, giới thiệu bộ phim yêu thích thông qua dịch vụ mua vé xem phim, thông báo nhà hàng yêu thích của bạn đang có giảm giá với dịch vụ Cùng Mua, hoặc nhắc về sinh nhật của người bạn thân và giúp gửi món quà thông qua dịch vụ tặng quà.
Còn về mở rộng liên kết, MoMo tiếp tục tích hợp đa dịch vụ thông qua việc cung cấp SDK (Software Development Kit) để giúp các đối tác của công ty tích hợp MoMo thanh toán đơn giản, chủ động.
Thu Ngân