Nội dung chính của cuộc họp giữa Bộ trưởng Công Thương với lãnh đạo ba tập đoàn Điện lực (EVN), Than khoáng sản (Vinacomin) và Dầu khí (Petrovietnam) chiều 6/8 là cấp than cho các nhà máy điện.
Tổng giám đốc Vinacomin Đặng Thanh Hải cho hay, đến đầu tháng 8 tập đoàn vẫn còn 7 triệu tấn than trong kho và khoảng 2 triệu tấn đã được tập kết ở cảng trước mưa lũ, sẵn sàng chuyển cho các hộ tiêu thụ. “Chúng tôi cam kết trước Bộ, Chính phủ là không để thiếu than. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua doanh nghiệp đã không để thiếu thì không lý do gì phải lo tới đây thiếu cả, nhất là với ngành điện”, ông Hải trấn an.
Tuy nhiên, Chủ tịch EVN – Dương Quang Thành lo ngại cung ứng than đang khá chậm do năng lực tiếp cận của các cảng và việc huy động tàu chưa hợp lý. “Tại nhà máy điện Duyên Hải, nói tàu 10.000 tấn có thể cập cảng nhưng nay đang rất cần than mà chỉ tàu 5.000 tấn vào được”, ông Thành dẫn chứng.
Nhiệt điện Duyên Hải đang cấp tập dữ trữ than để chạy hết công suất từ ngày 10/8 tới |
Với nhiệt điện Vĩnh Tân, trên lý thuyết tàu 30.000 tấn vào rót hàng được, song các tàu cấp than mấy ngày qua cao nhất chỉ 20.000 tấn. “Chỉ một ngày không có tàu mà Vĩnh Tân chạy hết công suất thì hôm sau sẽ không có than cho nhà máy chạy tiếp”, Chủ tịch EVN lo ngại.
Trước đó, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho hay nguồn dự trữ than tại hai nhà máy nhiệt điện lớn nhất khu vực phía Nam đang “rất mỏng”. Duyên Hải I còn trong kho 122.000 tấn, đủ cho 10 ngày. Vĩnh Tân 2 còn khoảng 48.000 tấn.
“Từ ngày 10 đến 24/8, khí MP3 cấp cho điện Càu Mau sẽ bị ngưng để bảo dưỡng. Nguồn điện cho phía Nam sẽ phụ thuộc chủ yếu vào Duyên Hải và Vĩnh Tân. Hai nhà máy nhiệt điện này phải chạy hết công suất để đảm bảo điện cho miền Nam trong nửa tháng tới, song dự trữ than tại đây đang rất mỏng”, ông An nói.
Đại diện EVN kiến nghị Vinacomin ngừng rót than cho các nhà máy phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghi Sơn do đã có nguồn dự trữ dài ngày hơn, lại gần các mỏ để tập trung tối đa cho Vĩnh Tân và Duyên Hải.
Theo ông An, có 4 tàu than đang trên đường vào, 3 tàu sắp đi và 3 tàu đang làm hàng với tổng trọng tải khoảng 50.000 tấn nhưng con số này vẫn là ít để chạy hết công suất từ ngày 10/8 tới.
“Tập đoàn sẽ mua thêm của Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng) 30.000 tấn và cũng tính đến cả khả năng nhập khẩu”, ông nói thêm.
Về dài hạn, lãnh đạo EVN cho hay từ đây đến cuối năm sẽ phải huy động khoảng 23 tỷ kWh từ các nhà máy nhiệt điện, tương đương cần thêm khoảng 11 triệu tấn than, tức mỗi tháng hơn hai triệu tấn.
Cục trưởng Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm, 7 tháng đầu năm EVN đã huy động 93 tỷ kWh thì gần 33,5 tỷ kWh là từ điện than nên nguồn nhiên liệu cho các nhà máy phải được ưu tiên.
Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Năng lượng – Nguyễn Khắc Thọ nói vui rằng “may mà than tồn kho của Vinacomin còn lớn nên không đáng lo”, song phải cải thiện khả năng vận chuyển và bốc dỡ để cung ứng kịp thời.
“Bài học rút ra sau lần này là cần phải có kho than dự trữ, ngoài quy định mỗi nhà máy phải dự trữ đủ cho hoạt động bao nhiêu ngày”, ông Thọ kiến nghị.
Ông Đặng Thanh Hải cho biết Vinacomin sẽ đẩy nhanh xây dựng trung tâm trữ than ở Đồng bằng Sông Cửu Long và sẵn sàng thuê lại kho Vĩnh Tân của EVN làm nơi dự trữ cho khu vực phía Nam để ngành điện cần lúc nào thì sẽ được cấp ngay lúc ấy.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đồng tình với đề xuất phải quy định dữ trữ bắt buộc với các nhà máy cũng như xúc tiến ngay hai trung tâm dự trữ than ở Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Cần có dự phòng cho thời gian tới vì bây giờ đang ở giữa mùa mưa bão”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cũng yêu cầu Tập đoàn Than khoáng sản đẩy nhanh quá trình chuẩn bị khai thác than dưới đồng bằng Sông Hồng để chia sẻ với vùng than Đông Bắc trong tình hình nguy cấp, cũng như tăng cường giải pháp pha trộn than tốt với than nhiệt lượng thấp để giảm áp lực trong bối cảnh nguồn cung khó.
Chí Hiếu