Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (Masan Group) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I, với doanh thu 3.584 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tài nguyên mang lại 813 tỷ đồng, còn lĩnh vực hàng tiêu dùng đóng góp tới 2.772 tỷ đồng.
Ebitda (lợi nhuận trước lãi, thuế và khấu hao) đạt 930 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần ở mức 57 tỷ đồng, vượt hơn 2 lần quý I/2014.
Nếu loại bỏ những tác động từ các khoản phân bổ lợi thế thương mại, tài sản hữu hình và tài sản vô hình phát sinh từ các thương vụ M&A, loại bỏ sự đóng góp từ các công ty đã bán trước kỳ báo cáo này, lợi nhuận thuần của Masan Group khoảng 157 tỷ đồng, giảm 28,9% so với cùng kỳ.
Ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống tăng trưởng mạnh giúp Masan Consumer (Công ty con của Masan Group) đạt doanh thu 2.627 tỷ đồng trong quý I. |
Vào tháng 4, Masan Group đã mua lại Công ty Sam Kim (Masan Nutri-Science). Masan Nutri-Science nắm 52% cổ phần Công ty Việt – Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và 70% cổ phần của Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Điều này mang lại cơ hội lớn cho Masan trong việc thâm nhập ngành thức ăn chăn nuôi trị giá 6 tỷ USD Mỹ đang phát triển nhanh ở Việt Nam.
Masan Group kỳ vọng thương vụ M&A này đưa Tập đoàn lên vị thế sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ hai ở Việt Nam. Masan Nutri-Science đặt mục tiêu doanh thu một tỷ đô la Mỹ trong năm 2015 ở mảng cung cấp thức ăn cho heo. Cơ sở cho tham vọng này là mức tiêu thụ đạm của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh và đạt giá trị 18 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (trên cơ sở ngang giá sức mua) là 1/10 GDP bình quân đầu người của các thị trường phát triển như Mỹ, nhưng giá đạm lại đắt hơn 50-100%, do năng suất thấp trong ngành này. Masan Nutri-Science có kế hoạch cung cấp cho nhu cầu lớn chưa được đáp ứng này bằng cách thúc đẩy năng suất của ngành công nghiệp đạm động vật.
Hiện doanh thu từ Masan Nutri-Science chưa được phản ánh trong kết quả quý I vì việc mua lại được thực hiện vào cuối tháng 4.
Trong mảng kinh doanh hàng tiêu dùng, Tập đoàn đang nhắm đến một thị trường có giá trị 5 tỷ USD Mỹ với hai trụ cột vững chắc là thực phẩm và đồ uống. Quý I, doanh thu từ mảng cà phê và nước giải khát đóng chai mang lại dòng tiền ổn định. Ở phân khúc thực phẩm tiện lợi ghi nhận mức tăng trưởng với tốc độ hai con số.
Đánh giá thị trường bia Việt Nam là một cơ hội kinh doanh lớn, có giá trị 4 tỷ đô la Mỹ và đang tiếp tục tăng lên, vừa qua, Masan Group đã mua lại nhà máy bia và tung ra nhãn hàng Sư tử trắng. Hạng mục này đóng góp thêm 309 tỷ đồng vào tổng doanh thu. Nhà máy đang hoạt động ở mức công suất 100% (50 triệu lít mỗi năm).
Về mảng thực phẩm, thời gian qua, Tập đoàn tham gia vào các phân khúc mới như hạt nêm. Danh mục thực phẩm tiện lợi của Masan hiện trải rộng trong các phân khúc mì ăn liền cao cấp, trung cấp, bình dân.
Sự tăng trưởng của ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và đồ uống giúp Masan Consumer (công ty con của Tập đoàn) đạt doanh thu 2.627 tỷ đồng trong quý I, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đang chú trọng nhiều hơn vào ngành hàng nước mắm, nước tương và tương ớt để tiến sâu hơn vào ngành hàng gia vị.
Ở mảng tài nguyên, mỏ Núi Pháo của Masan Resources đã sản xuất các sản phẩm chất lượng cao trên toàn bộ bốn khoáng sản (vonfram, florit, bismut và đồng), tiêu thụ ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Tỷ suất lợi nhuận Ebitada đạt 42%. Hiện Mỏ Núi Pháo sản xuất khoảng 20% sản lượng vonfram trên toàn cầu, không tính Trung Quốc.
Đại diện Tập đoàn Masan cho biết đang xem xét niêm yết Masan Resources trong nửa cuối năm 2015, nhằm mang lại sự linh hoạt chiến lược, phù hợp cho tăng trưởng dài hạn.
Thu Ngân