Ngoài ra định chế tài chính này sẽ có đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm, số lượng khách hàng trên toàn quốc đạt xấp xỉ 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp và 600 định chế tài chính, đưa Maritime Bank có quy mô vốn điều lệ đứng thứ 4 trong nhóm các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, mạng lưới chi nhánh đứng thứ 5.
Theo ông Đỗ Lam Điền – thành viên HĐQT Ngân hàng Maritime Bank, cả Maritime Bank và MDB đều có chất lượng hoạt động tốt cùng những thế mạnh riêng (nợ xấu MDB năm 2014 là 2,71%, thấp hơn chuẩn 3%). Điều đó sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, tăng khả năng cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân.
MDB có thế mạnh trong các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn, phát triển mạng lưới chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó Maritime Bank phát triển mạnh hơn ở các vùng miền còn lại. Vì vậy, sau sáp nhập, MDB sẽ bổ sung được cho Maritime Bank phát triển toàn diện trên mọi phân khúc khách hàng.
Khác với nhiều trường hợp sáp nhập khác, cần nhiều công sức sau sáp nhập để tạo nét tương đồng về văn hóa quản trị, hệ thống công nghệ,… thì trường hợp của Maritime Bank và MDB còn có thuận lợi hơn khi cả hai đều đang sở hữu hệ thống quản trị khá tiên tiến.
MDB dù là ngân hàng nhỏ, nhưng với sự gia nhập của cổ đông chiến lược là công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) – công ty 100% vốn của TemasekHoldings, một tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore, đã giúp chiến lược của nhà băng này theo hướng quản trị hiện đại, chú trọng mảng ngân hàng bán lẻ, triển khai áp dụng những thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế. Còn Maritime Bank vốn là ngân hàng thương mại trong top đầu các ngân hàng cổ phần hiện nay.
“Đây là tiền đề quan trọng để Maritime sớm thực hiện mục tiêu là ngân hàng hiện đại, đa năng, cung cấp đa dạng danh mục sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng”, ông Điền chia sẻ.
Đến thời điểm này, ngoài trường hợp sáp nhập đã có kế hoạch như MDB sáp nhập vào MaritimeBank, Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, khả năng trong thời gian ngắn tới sẽ có thêm những trường hợp khác như DongABank và ABBank, NamA Bank và Eximbank. Việc xử lý bắt buộc kết hợp với sáp nhập như đề cập sẽ giúp giảm số lượng ngân hàng theo đúng Đề án tái cấu trúc, tạo nên một giai đoạn mới những định chế tài chính lớn hơn và khả năng phục vụ khách hàng tốt hơn sẽ xuất hiện.
Minh Trí