Ông Vũ Đức Thuật – Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết trên địa bàn đã diễn ra tình trạng “nợ xấu” trong thu nộp tiền bảo hiểm, với tỷ lệ nợ khó đòi lên tới 10%. Khoảng 3.000 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, số nợ đọng dao động 1.300-2.000 tỷ đồng.
Cơ quan này đã thành lập tổ thanh tra liên ngành nhưng các đơn vị khác cho rằng đây là công việc của bảo hiểm xã hội nên không mặn mà hợp tác, phối hợp. “Tính đến phương pháp khởi kiện cũng chẳng ăn thua. Họ sẵn sàng nợ 5-7 tỷ đồng, thậm chí đem tiền gửi ngân hàng để thu lãi chứ dứt khoát không nộp bảo hiểm. Có đơn vị 70-80% là nữ, cứ gần đến lúc phải thực hiện nghĩa vụ thai sản thì mới chịu nộp tiền bảo hiểm”, ông Thuật cho hay.
Cơ quan bảo hiểm tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ từ doanh nghiệp. Ảnh: Anh Quân |
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho hay các doanh nghiệp nợ bảo hiểm đa phần cố tình chây ỳ. Do đó, cán bộ bảo hiểm có đến tận nơi lãnh đạo công ty vẫn tìm cách không tiếp.
“Chỉ cần đến cổng, nhân viên bảo vệ đã thông báo lãnh đạo và những người có trách nhiệm đều đi vắng hết, không chịu hợp tác hoặc cử nhân viên ra làm việc nên mọi vấn đề không được giải quyết”, vị này nói.
Kể cả khi gặp nhau tại tòa, cơ hội đòi nợ cũng không mấy sáng sủa. Nhiều bản án đã được ban hành hoặc tòa án tuyên bố là hòa giải thành công, nhưng quá trình thi hành án gặp khó khăn.
“Theo Luật Thi hành án dân sự, cơ quan được thi hành án có trách nhiệm xác minh giá trị tài sản của đơn vị bị thi hành. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm không thể xác nhận được tài sản của doanh nghiệp, không biết họ có tài sản những gì và ở đâu, đã thế chấp ngân hàng chưa. Không chứng minh được tài sản của họ vì không ai xác nhận nên vướng ngay từ quá trình thi hành án. Vướng mắc rất lớn nên thi hành án không cao. Không ai cung cấp thông tin và xác nhận về tài sản của doanh nghiệp”, ông Thiện cho hay.
Đến cuối quý II, số nợ bảo hiểm xã hội trên cả nước vào khoảng 11.900 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2013. Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận định nguyên nhân chủ yếu là hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập… Đặc biệt, công tác khởi kiện và thi hành bản án của Tòa án đạt hiệu quả chưa cao. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến cuối quý, 52 trong số 63 cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố thực hiện khởi kiện 1.451 đơn vị nợ đọng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi vẫn còn hạn chế, chỉ 126 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chất lượng cán bộ làm công tác thu ở một số địa phương còn yếu, chưa nắm chắc tình hình lao động tại các đơn vị sử dụng lao động. Đến nay chính cơ quan bảo hiểm cũng không biết được còn bao nhiêu doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Với các doanh nghiệp đã đóng thì cơ quan bảo hiểm cũng không biết chắc được doanh nghiệp đã đóng đầy đủ theo số lao động hợp đồng đủ tiêu chuẩn chưa….
Ngọc Tuyên