Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, từ ngày 25/7, đối tượng được vay vốn nông nghiệp ưu đãi sẽ được mở rộng. Cụ thể, người được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng có tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo quy định cũ tại Nghị định 41 thực hiện từ năm 2010, hạn mức cho vay không có tài sản thế chấp tối đa chỉ là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại. Trong khi đó, tại quy định mới, mức cho vay được nâng lên gấp 1,5 đến 2 lần. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh nông nghiệp có thể được vay 50-100 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Riêng đối tượng đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có thể được vay tối đa 200 triệu đồng. Hộ nuôi trồng thủy sản được vay tín chấp tôi đa 2 tỷ đồng. Riêng liên hiệp hợp tác xẫ nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hản sản xa bờ, các ngân hàng được phép cho vay tối đa 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp.
Việc sửa đổi cơ chế, chính sách này được thực hiện dựa trên những đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho tín dụng nông thôn. Theo cơ quan này, một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá… sẽ được nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, Nghị định 51 cũng khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án hay phương án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2% một năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Ngân Hà