Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12-24 tháng tại Sacombank đều được điều chỉnh tăng 0,1% – 0,2% kể từ ngày 16/9. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 7,55% khi khách gửi 13 tháng. Kế tiếp là các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng có mức lãi suất 6,40% một năm. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi lần thứ ba kể từ tháng 8 của Sacombank.
Tương tự, Eximbank mới công bố biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ 21/9 cũng tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng là 7,5% với kỳ hạn 13 tháng, cao hơn 0,6% so với cách đây ba tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 36 tháng, 24 tháng tương ứng 6,8% và 6,6%. Một số ngân hàng khác cũng có động thái nhích nhẹ lãi suất đầu vào.
Trước đó Ngân hàng An Bình, VIB và SeABank… cũng tăng một số kỳ hạn với mức 0,2-0,3% mỗi năm.
Lãi suất huy động lại rục rịch tăng. Ảnh: PV. |
Lý giải về việc tăng lãi suất đầu vào, một lãnh đạo của Sacombank cho rằng đây chỉ là động thái để cân đối lại nguồn vốn. Theo ông, thời điểm này, nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài của doanh nghiệp đang tăng lên, trong khi trước nay nhà băng chủ yếu huy động được ở kỳ hạn ngắn. “Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên để có thêm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, việc tín dụng tăng nhanh hơn cho vay cũng là áp lực khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để hút nguồn vốn. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho biết, đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay tại ngân hàng ông đã tăng hơn 8% trong khi huy động chỉ đạt 7,5%.
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, tính đến 20/8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ ước tăng 7,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%).
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện nay mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Chính vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng tỏ ra quan ngại khi cho rằng, thời gian gần đây thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nguồn vốn cho vay lĩnh vực này đã tăng cao hơn. Do đó, nhiều ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động nhằm có vốn phục vụ cho vay bất động sản chứ chưa hẳn là dành cho đầu tư sản xuất.
Theo ông, nếu cơ quan quản lý không có biện pháp kiểm soát tốt vấn đề này dễ dẫn đến tình trạng lãi suất huy động tăng thành xu hướng và khi đó ắt sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. Điều này đi ngược mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế của Chính phủ.
Lệ Chi