Mong muốn trở thành kỹ sư xây dựng, anh Vũ Đình Khánh (sinh năm 1985) quyết tâm có bằng được tấm bằng đại học để dễ dàng xin việc. 4 năm sau khi ra trường, chàng thanh niên Hải Dương mới đạt nguyện vọng khi được nhận vào làm tại Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi ở chính quê nhà.
Nhưng chỉ sau 8 tháng, anh Khánh lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi thu nhập tại một cơ quan Nhà nước không đủ nuôi sống gia đình. “Lương tính theo hệ số Nhà nước thấp lại không có phụ cấp. Thời điểm ra trường lại đúng lúc khủng hoảng kinh tế, ngành xây dựng khó khăn, nhiều công trình dang dở khiến đồng lương không ổn định”, anh chia sẻ.
Nhận thấy bản thân không thể cầm cự lâu với đồng lương 3-4 triệu đồng, sẵn có chút hiểu biết về công nghệ thông tin khi còn đi học, anh Khánh – khi đó 27 tuổi quyết định bỏ việc Nhà nước ra Hà Nội lập nghiệp. Ngoài công việc nhân viên phần mềm tại một cửa hàng điện thoại di động trên phố Ngọc Khánh, những năm đầu, anh không ngại làm thêm nhiều nghề khác, từ giao thư, ship hàng, bán điện thoại…, với mục đích dành dụm được số vốn kha khá để làm ăn riêng.
Quán Lẩu Khoái đạt doanh thu bình quân 150 triệu đồng trong mỗi tháng đầu tiên. |
“Công việc làm thuê về lâu về dài cũng không ổn định, mình phải tính cách để nuôi sống gia đình và trụ lại Hà Nội”, anh cho hay. Từng theo học Đại học Thương mại trong khi chưa đỗ Thủy lợi, chàng kỹ sư xây dựng nhận xét trong mình cũng có sẵn đam mê kinh doanh.
Cuối năm 2014, đúng dịp một người bạn cho biết đang có sẵn một căn nhà 4 tầng cho thuê nằm trong ngõ 10 của phố Tôn Thất Tùng (Đống Đa, Hà Nội), anh quyết định chớp thời cơ mở một cửa hàng buôn bán. “Kinh doanh cần nhất là địa điểm, bạn có nhà sẵn sẽ bớt đi một khoản đáng kể, chỉ cần tập trung bán hàng”, vị này nhận định.
Sau nhiều lần thuyết phục với quyền lợi là vừa nhận được tiền lãi hàng tháng và được trả thêm 2 triệu đồng tiền nhà (trước đây cho thuê thì được khoảng 6 triệu), người bạn này đồng ý tham gia, phương án tối ưu là mở một quán ăn phục vụ sinh viên. “Nhà ở trong ngõ, lại nằm ở khu vực tập trung nhiều sinh viên (Y Hà Nội, Ngân hàng, Công đoàn, Thủy lợi), nhu cầu ăn uống rất lớn nhưng chưa có nhiều quán ăn với giá cả phải chăng. Do đó, bọn tôi quyết định mở quán lẩu, thay vì cửa hàng điện thoại như công việc tôi làm mấy năm nay”, anh Khánh cho biết.
Vay mượn gia đình và bạn bè 50 triệu đồng, cộng với số tiền hiện có và vốn góp 100 triệu đồng của bạn, anh Khánh sửa chữa lại căn nhà và mua sắm bàn ghế, đồ dùng cần thiết cho một quán ăn. Tổng chi phí hết gần 200 triệu đồng. Quán Lẩu Khoái bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2015, chuyên bán lẩu ếch, lẩu sườn sụn với giá 150.000 đồng một nồi.
“Đối tượng chủ yếu là sinh viên nên không cần những món lẩu quá cao sang, quan trọng nhất là giá phải rẻ mà chất lượng vẫn đảm bảo”, anh tâm niệm. Thời gian đầu, cửa hàng cũng gặp khó khăn khi phải tìm kiếm khách hàng, chế biến món ăn hợp với khẩu vị, không để sót yêu cầu của khách… Bên cạnh đó, ba tháng đầu, quán cũng không lên kế hoạch thuê thêm người mà chủ yếu nhờ bạn bè, gia đình hỗ trợ, nên nhiều hôm 2-3h sáng anh mới được nghỉ, hoặc bình thường cũng phải 12h tối mới được về nhà.
Doanh thu bình quân mỗi tháng của cửa hàng khoảng 150 triệu đồng, trừ đi các chi phí, tiền lãi thu được không nhiều nhưng chủ cửa hàng Lẩu Khoái tin rằng những tháng sau, doanh số sẽ tốt hơn do khoản chi phí giảm đi. Đặc biệt, trong khi nhiều nơi khác phải chịu chi phí thuê nhà chục triệu đồng, việc anh chỉ mất 2 triệu đồng đã khiến áp lực giảm đi rất nhiều.
“Tuy mệt nhưng với việc khách hàng đông dần theo từng ngày, tôi thấy lần khởi nghiệp này đã dần có kết quả”, anh Khánh cho hay.
Với phương châm tìm 10 khách mới không bằng giữ một khách quen, chủ quán quyết định về tận Hà Nam tìm các trang trại nuôi ếch để có nguồn cung cấp lâu dài, ổn định cho cửa hàng. Những lồng ếch sẽ được treo ngoài cổng quán, khách chỉ con nào sẽ thịt con đó để chứng minh ếc không phải được lấy từ tủ đông. “Quán chắc chắn sẽ làm thật, ngoài việc làm đồ tươi thì trong đầu luôn có ý tưởng là giữ uy tín chứ không phải kiếm tiền là hàng đầu”, vị này bày tỏ.
Sang mùa hè, ngoài các món lẩu, Lẩu Khoái đang nghiên cứu bán thêm bia và đồ nhắm, ngoài ra còn mở quán ăn trưa cho sinh viên.
Huyền Thư