Sinh năm 1983 trong một gia đình không mấy khá giả ở Bắc Ninh, Nguyễn Bá Phương đã sớm biết tự lập và chưa khi nào ngừng hy vọng vươn lên thoát nghèo. 18 tuổi, chàng trai trẻ bước chân vào học khoa Công nghệ thông tin – Đại học Bách khoa Hà Nội theo mong muốn của gia đình. Tuy nhiên, sau này Phương mới định hình lại đam mê của mình là làm công việc kinh doanh, chứ không phải trở thành một kỹ sư.
Vì vậy, sau khi cầm tấm bằng Đại học trên tay, chàng trai tỉnh lẻ bắt đầu hành trình tìm việc nhưng không giống những bạn đồng học, Phương chọn làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thời trang. Trong vòng 3 năm, chàng thanh niên sống tằn tiện với số tiền lương chỉ khoảng 3 triệu đồng. Đây cũng là thời gian anh nắm bắt được những cơ hội từ kinh doanh mặt hàng thời trang.
Phương tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin nhưng lại chọn cho mình con đường kinh doanh thời trang. Ảnh: NVCC |
Cuối năm 2009, anh nghỉ việc rồi vay mượn được vài chục triệu để lặn lội vào TP HCM, mò mẫm khắp các xưởng may hàng xuất khẩu để tìm mối lấy hàng, vận chuyển ra Hà Nội, tự quảng cáo và phân phối hàng. Lần đầu làm ông chủ, dù chỉ là một điểm phân phối nho nhỏ nhưng cảm giác của Phương khi ấy rất phấn khích và đầy lạc quan. Tuy nhiên, khi đã bước chân vào kinh doanh, anh mới nhận ra rằng để duy trì mọi việc hanh thông là cả một quá trình không dễ dàng, đặc biệt với số vốn chỉ vài chục triệu. Phương luôn phải xoay sở sao cho đủ để nhập hàng.
“Khi ấy, cứ một mình một chiếc xe máy chạy khắp các bến xe rồi đóng hàng, gửi cho khách, quên cả giờ ăn, giờ ngủ. Tuy nhiên, tâm trạng mình lúc nào cũng phấn chấn vì được làm đúng việc yêu thích. Một thời gian sau, các bạn hàng tin tưởng nên cũng tạo điều kiện về vốn, có khi cho nợ đến cả trăm triệu đồng”, Bá Phương kể lại.
Sau 2 năm kinh doanh hàng Việt Nam xuất khẩu, Phương nảy ra ý tưởng tự mình thiết kế ra các sản phẩm với chất lượng tương đương nhưng giá thành hợp lý hơn. Anh muốn xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình, dành cho giới trẻ với mức giá cũng phù hợp với túi tiền của nhóm khách hàng này.
“Ý tưởng nảy ra khi mình nhớ đến hồi còn là sinh viên, đôi khi rất thích những bộ phần áo đắt tiền nhưng không dám móc ví ra mua vì giá cao quá. Vì vậy, khi theo đuổi nhóm khách hàng này, mình xác định sẽ phải chú trọng về giá cả”, Phương cho hay.
Phương tự bắt tay và tìm các đầu mối để lựa chọn nguyên liệu, mẫu thiết kế, xưởng sản xuất. Bên cạnh việc phân phối đến những mối hàng có sẵn, anh tính toán việc mở showroom thời trang của riêng mình. Tuy nhiên, điều khó nhất là phải luôn cập nhật các gu thời trang, sở thích của giới trẻ để những mẫu sản phẩm được tung ra thị trường không bị lỗi mốt.
“Các mẫu thời trang dành cho giới trẻ thường nhiều nhất nhưng cũng nhanh cũ nhất. Nếu không liên tục thay đổi thì có thể, chỉ ngay sau khi ra đời, sản phẩm đã trở thành hàng tồn, chỉ có thể bán giảm giá”, anh nhận định.
Đầu năm nay, Phương xây dựng và ra mắt thương hiệu thời trang của mình để chuyên nghiệp hóa hướng đi. Ông chủ trẻ cũng đã lần lượt mở được 10 chi nhánh ở nhiều tỉnh thành với mức thu nhập mỗi tháng không dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, anh còn nuôi tham vọng sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Công việc bận rộn là vậy, Phương vẫn dành thời gian cho sở thích chơi motor phân khối lớn.
Chia sẻ về chặng đường gần 6 năm khởi nghiệp, ông chủ trẻ cho biết điều quan trọng nhất với mỗi người khi kinh doanh là sự thận trọng trong từng đường đi nước bước. “Khi mình chưa hiểu rõ một lĩnh vực nào đó thì nên chọn cách đi từ từ, từng bước một, không nên quá vội vàng để có cơ hội được sửa sai nếu nhận thấy hướng đi chưa đúng. Số vốn nếu không nhiều thì chỉ cần một lần làm sai là mất đi cơ hội làm lại”, Phương chia sẻ.
Ngọc Tuyên