Kinh tế bắt đầu chịu tác động của giá dầu giảm

Phát biểu tại cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/9, ông Mai Văn Cảnh – Phó Ban Kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cho hay trong 9 tháng, giá dầu thô xuất khẩu trung bình 57 USD một thùng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm, giá dầu ở mức khoảng 55 USD, thấp hơn mức dự toán được Quốc hội thông qua là 100 USD một thùng.

“Tất cả các dự báo giá dầu đưa ra đều sai lệch, giá dầu Brent năm nay có thời điểm xuống tới 48 USD – thấp nhất trong 6 năm nay trở lại đây”, ông Cảnh nhận xét.

PVN-8355-1443172337.jpg

Giá dầu thô xuất khẩu 9 tháng giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Việc giá dầu lao dốc và diễn biến khó lường từ quý III năm ngoái ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Thu từ dầu chỉ bằng 53% dự toán dù đã gần 9 tháng trôi qua. Để khỏa lấp sự hụt thu này, ngân sách phải trông chờ vào khoản thu nội địa và cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Từ đầu năm tới 15/9, nguồn thu ước đạt 640.420 tỷ đồng, bằng 70% dự toán. Riêng nửa đầu tháng 9, số thu đạt 19.730 tỷ đồng, giảm 1.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá dầu giảm – báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

PetroVietnam – đơn vị đóng góp phần lớn cho ngân sách cũng bị thiệt hại từ việc giá hàng hóa này đi xuống. Theo ông Cảnh, chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách năm nay của tập đoàn có thể không hoàn thành kế hoạch nếu giá dầu vẫn ở dưới 50 USD một thùng từ nay tới cuối năm. Đầu năm, PetroVietnam đặt mục tiêu doanh thu 718.400 tỷ đồng và nộp ngân sách 159.000 tỷ đồng. Giá dầu theo kế hoạch này là 100 USD và tỷ giá là 21.200 đồng đổi một đôla Mỹ.

Chỉ tiêu khai thác tại nước ngoài của PetroVietnam cũng thụt lùi so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch. 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác ở hải ngoại mới đạt 1,3 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014. Đại diện tập đoàn lý giải do chi phí khai thác mỏ Peru cao hơn giá bán nên tập đoàn đã tạm ngừng khai thác, giảm sản lượng từ 6.000 thùng xuống còn 1.000 thùng.

Xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm tuy tăng 5% về lượng, đạt 7,2 triệu tấn nhưng vẫn bị giảm một nửa giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá nguyên liệu thế giới đi xuống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu kém khởi sắc năm nay khi đạt gần 120,7 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 10%, so với mức tăng 14% cùng kỳ năm ngoái.

“Giá dầu là một trong những nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế Việt Nam năm nay”, ông Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia nhận định.

Báo cáo của trung tâm này cũng đưa ra kịch bản giá dầu có thể xuống 40 USD một thùng, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Do kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn suy giảm nghiêm trọng nên chi tiêu chính phủ và tổng cầu trong nước của các quốc gia này giảm mạnh, kéo theo cầu hàng hóa của các quốc gia này từ các nền kinh tế phát triển đi xuống. Với cú sốc này, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 1,22% trong quý IV/2015 và giảm 0,68% trong năm 2016.

Do tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng giảm 0,48% trong quý IV/2015 và giảm 0,04% trong năm 2016.

Ngay tại báo cáo về xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá dầu là một trong những biến số của kinh tế 2016 và cần thận trọng. “Giá dầu thô giảm sâu và giá các nguyên liệu, khoáng sản đi xuống cũng tác động lên những nước đang phát triển có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên, bao gồm Việt Nam”, báo cáo thông tin.

Phương Linh

0913.756.339