Theo kế hoạch, Đại hội cổ đông thường niên của Kienlongbank sẽ diễn ra tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 24/4 tới. Tổng giám đốc Võ Văn Châu chia sẻ với VnExpress về những tham vọng của nhà băng này trong năm 2015.
Tổng giám đốc Võ Văn Châu. |
– Năm 2014 lợi nhuận trước thuế của KienLongbank chỉ đạt khoảng 233 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch đề ra. Tại đại hội sắp tới, Kienlongbank sẽ thông báo gì tới các cổ đông?
– Mặc dù lợi nhuận năm 2014 không đạt kế hoạch đề ra nhưng Kienlongbank đã hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng được giao, đảm bảo hoạt động của Kienlongbank được an toàn, bền vững, tạo nền tảng vững chắc để Kielongbank phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Số liệu chúng tôi sẽ báo cáo với cổ đông tại phiên họp sắp tới sẽ gồm tổng tài sản Kienlongbank đạt 23.104 tỷ đồng, hoàn thành 96,90% kế hoạch (tăng 8,10% so với năm 2013); Vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 16.571 tỷ đồng, hoàn thành 108,27% kế hoạch (tăng 24,56% so với năm 2013); Cho vay nền kinh tế đạt 13.526 tỷ đồng, hoàn thành 101,39% kế hoạch (tăng 11,52% so với năm 2013); Lợi nhuận trước thuế đạt 233,71 tỷ đồng, hoàn thành 55,78% kế hoạch (giảm 40,59% so với năm 2013); Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,95%/tổng dư nợ (kế hoạch
– Việc Kienlongbank giảm lợi nhuận so với năm 2013 do nguyên nhân nào thưa ông?
– Ngay từ cuối năm 2013, Kienlongbank xác định mục tiêu chính của năm 2014 là tập trung thực hiện thành công đề án tái cơ cấu toàn hệ thống theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong đó tập trung chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua các hình thức miễn/giảm lãi vay, tập trung giải quyết nợ xấu, điều hành hoạt động của Kienlongbank phù hợp với tình hình thực tế và định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn vào kết quả trên thì đúng là lợi nhuận trong năm 2014 Kienlongbank không đạt kế hoạch đã đề ra nhưng cũng không thấp so với mặt bằng chung của toàn ngành, đối với cá nhân tôi thì có thể nói đây là kết quả rất đáng khích lệ và rất có ý nghĩa trong điều kiện thực tế của ngành ngân hàng hiện nay.
Trong năm 2014, Kienlongbank đã triển khai tích cực chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua các hình thức miễn/giảm lãi vay, hỗ trợ cho khách hàng đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, nông dân trên cả nước. Kienlongbank đã thành lập Ban chỉ đạo tập trung thu hồi nợ với thành phần nòng cốt là các thành viên Hội đồng quản trị và Ban điều hành để tập trung giải quyết nợ xấu tồn đọng từ những năm trước đó. Kienlongbank cũng đã xây dựng chính sách lãi suất rất linh hoạt, cạnh tranh cho nhóm đối tượng khách hàng vay mới tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân yên tâm sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền mà Kienlongbank đã hỗ trợ miễn, giảm lãi vay cho khách hàng gần 120 tỷ đồng và qua đó nợ xấu của Kienlongbank cũng đã giảm được về mức 1,95%.
Về trích lập dự phòng rủi ro đến cuối năm 2014, Kienlongbank đã trích lập trích lập dự phòng trên 136 tỷ đồng, và dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt (VMAC) là 36 tỷ đồng, tạo điều kiện để Kienlongbank tích lũy thêm nguồn lực xử lý rủi ro trong thời gian tới, đảm bảo hoạt động của Kienlongbank luôn an toàn và bền vững.
– Kế hoạch kinh doanh mà Kienlongbank đặt ra trong năm 2015 là gì, thưa ông?
– Hội đồng quản trị, Ban điều hành Kienlongbank đã dự thảo các chỉ tiêu kế hoạch và giải pháp thực hiện trong năm 2015. Theo đó, Kienlongbank vẫn tiếp tục định hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng khách hàng của chúng tôi là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà con nông dân, tiểu thương buôn bán, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Bám sát mục tiêu hoạt động “An toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý”, năm 2015, Kienlongbank dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch cụ thể như: Tổng tài sản 26.170 tỷ đồng, tổng vốn huy động 22.180 tỷ đồng, dư nợ cho vay 16.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 388 tỷ đồng. Kết thúc quý 1 năm 2015, Kienlongbank đạt được lợi nhuận trước thuế gần 95 tỷ đồng, với 3 quý còn lại của năm 2015, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận mỗi quý ít nhất đạt 100 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 388 tỷ đồng là rất khả thi.
Thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng và từng bước niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì kể từ năm 2014 Kienlongbank đã mời công ty kiểm toán quốc tế KPMG (một trong số các tổ chức kiểm toán uy tín nhất thế giới) để kiểm toán chất lượng tín dụng và Báo cáo tài chính năm 2014.
Kế hoạch kinh doanh này sẽ được Hội đồng quản trị trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của Kienlongbank xem xét thông qua vào ngày 24/4/2015 tại tỉnh Kiên Giang. Với những kinh nghiệm đã được đúc kết từ năm 2014 cùng với nền tảng hiện có và điều kiện kinh doanh hiện tại của Kienlongbank thì chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch năm 2015 được Đại hội đồng cổ đông thông qua, làm tiền đề phát triển trong giai đoạn mới.
– Thời gian qua, nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều biến động trong đó nổi cộm là vấn đề chảy máu chất xám. Ông có thể chia sẻ thêm làm thế nào để điều hành đội ngũ 3.500 con người Kienlongbank cùng thực hiện mục tiêu trên?
– Hoạt động ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, là lĩnh vực hoạt động hết sức nhạy cảm. Do đó, vấn đề mấu chốt sống còn của ngân hàng chính là con người. Con người quyết định đa số tỷ lệ thành công của hoạt động ngân hàng. Trong công tác điều hành Kienlongbank, chúng tôi rất chú trọng đến công tác nhân sự làm sao để thu hút nhân tài? Làm sao để giữ chân người tài? Làm sao để đào tạo nhân sự tại Kienlongbank là những người có chuyên môn nghiệp vụ ngày càng giỏi và đạo đức tốt và cùng đưa con tàu Kienlongbank luôn đi về phía trước.
Nhận thức tầm quan trọng đó, 2 năm gần đây, Ban lãnh đạo Kienlongbank xây dựng rất nhiều chương trình đào tạo từ cấp quản lý đến nhân viên, cử nhân viên đi học các lớp nghiệp vụ, lớp chức danh quản lý tại các trung tâm có uy tín, luân chuyển cấp quản lý trong hệ thống Kienlongbank để học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, trong năm 2014, Kienlongbank đã thành lập Trung tâm đào tạo, tách ra từ Phòng Tổ chức – Nhân sự, nâng cao vai trò của công tác đào tạo trong giai đoạn mới. Đa số thành viên Hội đồng quản trị – Ban điều hành cùng các chuyên gia trong và ngoài nước trực tiếp đứng lớp đào tạo nội bộ, chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa cho nhân viên. Công tác tuyển dụng minh bạch và tạo nhiều cơ hội thu hút người tài. Tại Kienlongbank luôn có đội ngũ Ban giám đốc lưu động sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khi có nhu cầu và Ban giám đốc lưu động là những người có kinh nghiệm góp phần xây dựng các chính sách kinh doanh, nhân sự tại Kienlongbank. Các chính sách thu nhập theo hiệu quả kinh doanh, chính sách lương linh hoạt, đãi ngộ đã kích thích anh em chủ động tìm kiếm khách hàng, tăng hiệu quả phục vụ, chăm sóc khách hàng, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng phối hợp tổ chức công đoàn luôn quan tâm đời sống, tinh thần của cán bộ công nhân viên. Các chế độ phúc lợi hướng đến người lao động được tất cả cán bộ công nhân viên ủng hộ.
Thông qua các lớp đào tạo và các công cụ truyền thông nội bộ, thông điệp của Ban lãnh đạo Ngân hàng luôn nhắc nhở cán bộ công nhân ý thức thực hiện và xây dựng văn hóa Kienlongbank. Con người Kienlongbank phải giỏi tay nghề, giỏi nghiệp vụ và phải có đạo đức tốt. Con người Kienlongbank phải có đức tính “Tâm – Kiên – Khiêm”, càng phải có “Đam mê” và “Hy sinh”. Tôi nghĩ môi trường văn hóa cũng là yếu tố quan trọng để làm động lực cho sự phát triển của ngân hàng, cũng là yếu tố để giữ chân người tài.
Tôi có thể khẳng định rằng gần 3.500 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên Kienlongbank hiện nay luôn đoàn kết, cố gắng hết sức mình, ý thức trách nhiệm từng vị trí công việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Chúng tôi xác định năm 2015 là năm then chốt cùng quyết tâm hoàn thành kế hoạch mà Đại hội cổ đông thông qua, lập thành tích chào mừng 20 năm thành lập ngân hàng Kienlongbank.
Thu Ngân