Kiểm toán đề án tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước cho biết tại buổi họp báo sáng nay 20/3.

Cụ thể, cơ quan này sẽ đánh giá việc thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 của Ngân hàng Nhà nước cùng 5 ngân hàng thương mại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).

Nội dung kiểm toán sẽ tập trung vào thực trạng tài chính năm 2014, việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, công tác quản lý, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ của các nhà băng; tình hình giám sát, thanh tra minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng…

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung làm rõ thực trạng tài chính năm 2014, tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu tại các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011 – 2015, tình hình thực hiện cơ chế giá trị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình.

Theo đó, sẽ có 29 đơn vị thuộc diện phải kiểm toán như Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Năm 2014, đã có 188 cuộc kiểm toán được hoàn thành với hơn 23.400 tỷ đồng bị kiến nghị xử lý tài chính. Theo ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, năm 2015 là năm cuối của giai đoạn 2010 – 2015, toàn ngành tập trung triển khai 8 mục đích của kế hoạch chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013 – 2017, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, cải thiện năng lực của đội ngũ cán bộ, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Huyền Thư

0913.756.339