Trước phiên họp báo thường kỳ chiều 1/4, Văn phòng Chính phủ nhận được nhiều ý kiến lo ngại chủ trương mua lại các nhà băng thua lỗ sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao.
Về vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết quan điểm nhất quán của cơ quan điều hành không dùng ngân sách để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, và mua lại – xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. “Nguồn để xử lý chủ yếu là từ vốn huy động trong và ngoài nước. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của đơn vị yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn vốn của mình theo quy định”, ông Nên cho biết.
Sau khi mua lại, cơ quan quản lý sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý. Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản) sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại. Đồng thời, ông Nên tin rằng, các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng cũng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có), nên không lo ngại về khả năng thu hồi.
Không chỉ vậy, đại diện Chính phủ còn cho biết, sau tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước, sẽ thu được tiền từ bán lại các cổ phần đã mua cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vừa qua, Ngân hàng Nhà nước từng nhắc tới khả năng sẽ xử lý Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) theo phương án mua lại cổ phần.
Kỳ Duyên