Tổng thống Mỹ – Barrack Obama và Thủ tướng Anh – David Cameron từng thân mật gọi nhau là “người anh em”. Nhưng giới quan sát đang ngờ vực mối quan hệ này có thực sự đặc biệt đến mức đó, và liệu nó có thể tồn tại qua cuộc tổng tuyển cử tại Anh tuần này hay không.
Anh và Mỹ có mối quan hệ tài chính khá chặt chẽ. Anh là nước nhận đầu tư lớn nhất của Mỹ trên thế giới. 27% các dự án tại châu Âu mà Mỹ đầu tư là tại nước này. Các công ty Mỹ bị hấp dẫn bởi thuế thấp và môi trường thân thiện với doanh nghiệp, cũng như khả năng tiếp cận thị trường chung châu Âu. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh với kim ngạch thương mại song phương hơn 200 tỷ USD năm ngoái.
Thủ tướng Anh – David Cameron (trái) và Tổng thống Mỹ – Barrack Obama (phải) gặp gỡ tại New York năm 2011. Ảnh: Bloomberg |
Người lao động của hai nước cũng được hưởng lợi. Một triệu người Anh đang làm việc cho các công ty Mỹ tại quê nhà. Trong khi đó, số lượng người Mỹ tại các công ty Anh cũng tương đương.
Rất nhiều công ty Mỹ có trụ sở tại Anh. Google, Microsoft, Cisco, JP Morgan và Deloitte đều nằm trong top 10 công ty đáng làm việc nhất tại Anh, theo website tư vấn tuyển dụng Glassdoor. Các chuyên gia tại Ernst & Young (EY) cho rằng chính mối quan hệ với Mỹ đã giúp Anh tăng trưởng kinh tế vượt trội so với các quốc gia khác tại châu Âu.
Thuật ngữ “mối quan hệ đặc biệt” lần đầu tiên được đặt ra trong thời chiến bởi Thủ tướng Anh Winston Churchill, và được tái khẳng định trong suốt hàng thập kỷ qua, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước.
Tuy nhiên, “mối quan hệ đặc biệt” đó cũng không thiếu những lần căng thẳng. Khi Tổng thống Obama dần thắt chặt quan hệ với Đức và Pháp, ông lạnh nhạt hơn với cựu Thủ tướng Anh – Gordon Brown. Và dù Tổng thống Mỹ tỏ ra thân thiện với ông Cameron, sự căng thẳng vẫn có thể tăng lên nhanh chóng trong những tháng tới nếu Thủ tướng Cameron tái đắc cử. Nguyên nhân là ông Cameron đã cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc liệu Anh có nên rời Liên minh châu Âu (EU).
Quyết định rời khỏi EU có thể khiến tình hình khó khăn hơn nhiều với các công ty Mỹ, khi Anh đnag là căn cứ cho các hoạt động của họ tại châu Âu. Mỹ khá thẳng thắn khi thừa nhận tư cách thành viên EU của Anh chính là nhân tố thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.
Nhà Trắng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “một châu Âu mạnh mẽ, cởi mở với trung tâm là nước Anh phồn thịnh”. Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phục trách châu Âu – Phil Gordon từng nói: “Chúng tôi muốn thấy Anh có tiếng nói mạnh mẽ trong Liên minh châu Âu. Đó là điều người Mỹ quan tâm”.
John McCormick, giáo sư tại Đại học Indiana cũng nhấn mạnh: “Mỹ sẽ ít quan tâm hơn tới Anh nếu nước này rời khỏi EU”. Việc Anh ra đi cũng có thể gây tổn thương tới chính nền kinh tế trong nước. “Khá giống với Mỹ, các công ty Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thu hẹp quy mô hoặc tránh đầu tư vào Anh khi nước này không phải là thành viên EU”, ông cho biết thêm.
Cuộc cạnh tranh để gây ảnh hưởng lên châu Á cũng đang gây ra nhiều sóng gió giữa hai cường quốc. Vài tuần trước, Anh là quốc gia phát triển đầu tiên đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, phớt lờ những nỗ lực từ chính quyền Tổng thống Obama nhằm thuyết phục các đồng minh đứng ngoài tổ chức này.
Luyện Nga(theo CNN)