Kết quả tìm kiếm Google cho thấy vận đen của kinh tế Trung Quốc

Năm 2014 gắn liền với sự trỗi dậy của nước này, khi người ta thường tìm các cụm từ như “Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất thế giới”, “Trung Quốc vượt kinh tế Mỹ” hay “Trung Quốc – nền kinh tế số một”, theo số liệu được Google cung cấp. Dĩ nhiên, các tìm kiếm mang ý nghĩa tiêu cực vẫn có, nhưng tâm lý nhìn chung vẫn là tích cực.        

Dù vậy, sang năm nay, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Sự lao dốc của thị trường chứng khoán hồi quý III và hàng loạt dấu hiệu kinh tế đảo chiều đã khiến những từ khóa thống trị trở thành “Kinh tế Trung Quốc sụp đổ”, “Khủng hoảng kinh tế Trung Quốc” và “Tại sao kinh tế Trung Quốc chậm lại”.

ket-qua-tim-kiem-google-cho-thay-van-den-cua-kinh-te-trung-quoc

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2007 – 2015.

Dĩ nhiên, những từ khóa tìm kiếm này không có căn cứ khoa học, và mỗi năm lại một khác. Nhưng nhìn chung, nó cũng thể hiện sự thay đổi về tâm lý của cả thế giới với nền kinh tế này.

Hồi tháng một, các nhà hoạch định chính sách cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự xuống dốc của kinh tế vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng đến giữa năm, uy tín của họ đã giảm sút nghiêm trọng khi để chứng khoán lao dốc không phanh. Sau đó, đợt hạ giá nội tệ 3 ngày liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) càng khiến cả thế giới chấn động.

ket-qua-tim-kiem-google-cho-thay-van-den-cua-kinh-te-trung-quoc-1

Tỷ giá một USD so với NDT giai đoạn 2007 – 2015.

Kết quả tìm kiếm bỏ qua các cụm từ trung tính, như “Kinh tế Trung Quốc” và lặp lại các tìm kiếm được viết theo cách khác. Trong khi đó, các tìm kiếm về PBOC đạt đỉnh như hồi năm 2011. Số người dùng tìm thông tin về đồng NDT cũng liên tục tăng.

Dù các kết quả này chưa được chứng minh là có tác dụng phản ánh hay dự báo, những người lạc quan về Trung Quốc có lẽ vẫn hy vọng những từ khóa năm sau sẽ là “kinh tế Trung Quốc hồi phục” thay vì “Trung Quốc hạ cánh cứng”.

Hà Thu

0913.756.339