Theo HSBC, việc PMI tăng mạnh trong tháng qua là nhờ nhu cầu của khách hàng tăng lên, dẫn đến tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn. Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã bước lên một nấc thang mới khi số liệu đạt mức ấn tượng nhất trong lịch sử khảo sát 4 năm.
“Nhân tố chính của sự cải thiện này là thành công của các công ty trong việc có được các khách hàng mới, trong khi thiếu vắng áp lực lạm phát”, vị này nhận định.
Điều kiện sản xuất tại Việt Nam tiếp tục tốt lên trong tháng 4. |
Kết quả khảo sát cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 19 liên tiếp với tốc độ nhanh nhất trong 4 năm. Một số công ty cho biết đã có thêm khách hàng mới. Số đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng mạnh.
Sản lượng tăng đã giúp lượng công việc tồn đọng tiếp tục giảm. Các công ty cho biết đã nỗ lực hoàn thành các đơn đặt hàng một cách nhanh chóng và tuyển thêm nhân viên để đáp ứng yêu cầu công việc trong tháng. Sau khi giảm trong tháng trước, việc làm trong tháng 4 đã tăng nhẹ.
Kể từ cuối năm ngoái, chi phí đầu vào vẫn ở mức thấp. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết chi phí nguyên vật liệu đã giảm, bao gồm xăng dầu và sắt thép, trong khi một số người trả lời khảo sát đã yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá. Tuy vậy, mức giảm giá đầu vào trong tháng 4 là chậm nhất trong 5 tháng qua. Giá nguyên liệu giảm là nhân tố chính làm giá cả đầu ra của các công ty sản xuất của Việt Nam tiếp tục giảm, thúc đẩy nhu cầu trong và ngoài nước.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng khiến hoạt động mua hàng tăng 20 tháng liên tiếp. Tuy vậy, thời gian giao hàng của nhà cung cấp lại kéo dài khi có các báo cáo về việc thiếu hụt nguyên vật liệu tại các công ty. Song, thời gian nêu trên không quá dài, do việc thanh toán nhanh đã thúc đẩy quá trình giao hàng.
Tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng theo sau khi giảm trong tháng trước, song một số ý kiến cho biết đây chủ yếu là hàng đợi giao.
Huyền Thư