HSBC: Dự trữ ngoại hối không đủ cho ngân sách vay

Đề xuất của Chính phủ cho phép ngân sách đi vay dự trữ ngoại hối để đầu tư vừa được HSBC đề cập trong báo cáo công bố ngày 22/5. Ngân hàng này cho rằng ý tưởng này khó thực hiện nếu xem xét đến khả năng khả dụng của dự trữ ngoại hối hiện nay.

usd1-aq-500-2931-1432282051.jpg

Dự trữ ngoại hối Việt Nam hiện khoảng 35 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu – theo HSBC là thấp so với thông thường.

Trong lần công bố gần đây nhất, nhà điều hành cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 35 tỷ USD. Theo HSBC, mức dự trữ khoảng 2,5 tháng nhập khẩu này thấp hơn nhiều mức tối thiểu cần thiết ba tháng nên dường như Ngân hàng Nhà nước không có dư địa để cho Chính phủ vay. Nguồn dự trữ này theo đánh giá của HSBC là thấp hơn so với thông lệ và ngay cả với các nền kinh tế khác như Bangladesh, Sri Lanka – những nước có cơ chế quản lý ngoại tệ tương tự. “Việc Ngân hàng Nhà nước phải dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá và tài trợ vốn cho các dự án Chính phủ sẽ khiến VND rơi vào thế bấp bênh”, báo cáo của HSBC nhận định và cho rằng không nên cho ngân sách vay như đề xuất.

Ngân hàng Nhà nước duy trì một biên độ giao dịch hẹp cho cặp tỷ giá USD/VND (+/-1%) mang ý nghĩa rằng nguồn dự trữ ngoại tệ là một công cụ để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, con số 35 tỷ USD vẫn dưới mức trung bình 3 tháng nhập khẩu. “Tình hình còn tồi tệ hơn khi cán cân thương mại đã chuyển từ ngưỡng dương sang âm 3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, một con số chưa từng thấy từ năm 2011. Điều này sẽ càng gây khó khăn cho dự trữ ngoại hối và tiền tệ”, các chuyên gia của HSBC nói.

Theo ngân hàng ngoại này, khả năng nhà điều hành phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ để can thiệp thị trường từ nay đến cuối năm có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh đồng đôla có thể mạnh lên khi FED tăng lãi suất vào cuối năm. Bên cạnh đó, theo cam kết của Thống đốc năm ngoái, tỷ giá năm 2015 điều chỉnh không quá 2% và đến nay sau hai lần điều chỉnh đã hết dư địa. “Nếu nguồn dự trữ ngoại tệ được đưa vào sử dụng cho các dự án phát triển của Chính phủ thì điều này sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thiếu cơ sở để duy trì các cam kết và giữ vững uy tín của mình”, HSBC phân tích.

Sở dĩ Chính phủ phải nêu ra đề xuất chưa từng có tiền lệ này ở Việt Nam và hiếm xảy ra trên thế giới này là từ những khó khăn về huy động vốn trên thị trường tài chính. Riêng trong tháng 5, theo số liệu của HSBC, cả 7 phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ đều thất bại. Trong 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành của năm 2015, Bộ Tài chính mới chỉ phát hành thành công 66.000 tỷ đồng (tương đương 27% kế hoạch).

Lý do trái phiếu ế ẩm như hiện nay xuất phát từ Nghị quyết 78, quy định về việc chỉ cho phép phát hành trái phiếu có thời hạn từ 5 năm trở lên, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho việc trả nợ. Tuy nhiên, năm 2013, 2014, trái phiếu kỳ hạn nhỏ hơn 5 năm chiếm từ một nửa đến hai phần ba tổng lượng phát hành. Trong khi đó, với trái phiếu dài hạn, thị trường tỏ ra không hào hứng.

Do đó, HSBC hy vọng kỳ họp Quốc hội lần này sẽ đưa ra những giải pháp theo hướng sửa đổi Nghị quyết 78 thay vì cho phép ngân sách vay dự trữ ngoại hối để tháo nút thắt trên thị trường trái phiếu Chính phủ. “Nếu như Nghị quyết 78 không được sửa đổi, chúng tôi vẫn không kỳ vọng Chính phủ thông qua quy định cho phép mượn tiền từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Sẽ có nhiều nguy cơ lớn chất chứa”, HSBC nêu trong báo cáo.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339