Hong Kong khủng hoảng tài phiệt

Hong Kong (Trung Quốc) có rất nhiều ngành công nghiệp đang bùng nổ và là trung tâm thương mại trong khu vực. Nhưng thực tế, thành phố 7,2 triệu dân này đang bị thống trị bởi một nhóm tài phiệt kiểm soát mọi thứ, từ siêu thị đến bất động sản.

Người giàu nhất châu Á – Li Ka-shing là ví dụ điển hình. Với tài sản 33 tỷ USD, tỷ phú 86 tuổi này sở hữu vài chuỗi siêu thị lớn nhất Hong Kong, tham gia kinh doanh viễn thông, cảng biển, vận tải biển, thậm chí là cả năng lượng và điện-nước sinh hoạt.

>> Inforgraphic về ảnh hưởng của các tài phiệt lên kinh tế Hong Kong

Các tài phiệt khác như Lui Chee-woo (85 tuổi) và Cheng Yu-tung (89) cũng thống trị rất nhiều ngành công nghiệp, gồm xây dựng, casino, bán lẻ hàng xa xỉ, cơ sở hạ tầng và giao thông. Gần như mọi chi phí cho các hoạt động thường ngày tại Hong Kong, từ mua tạp phẩm, thắp sáng đèn đến lái xe bus, đều sẽ rơi vào túi các tài phiệt này.

hong-kong-2-5466-1414987461.png

Bất động sản thuộc sở hữu của 5 tài phiệt hàng đầu Hong Kong. Ảnh: AFP

Theo CNN, dù họ đều là những tấm gương tay trắng làm giàu điển hình, việc gây ảnh hưởng cả lên kinh tế và chính trị cũng không phải điều tốt. Họ bị cho là nguyên nhân khiến giá nhà tại Hong Kong bị đẩy lên cao ngất ngưởng và chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng.

“Hong Kong là một trong những xã hội chênh lệch nhất thế giới. Ngoài động cơ chính trị, cuộc biểu tình tại Hong Kong hiện tại còn do sự bất mãn về bất bình đẳng thu nhập và ít cơ hội thăng tiến cho sinh viên mới tốt nghiệp”, Willy Lam – Giáo sư tại Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) nhận xét.

Các tài phiệt được cho là đang làm trầm trọng hơn các vấn đề này, khi kiểm soát nhiều ngành công nghiệp. “Hàng chục tài phiệt được xem là đang độc quyền thị trường. Cạnh tranh ở Hong Kong không thực sự được tự do”, Lam cho biết.

Rất nhiều tài phiệt nước này được cho là đang lái sân chơi theo hướng có lợi cho họ. Bất động sản là lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự thiếu cạnh tranh tại Hong Kong, khi 72% thị trường nhà ở nằm trong tay 3 công ty, theo hãng nghiên cứu CLSA. Giá nhà tại đây đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, trong khi lương nhân công vẫn ì ạch.

Chính quyền thành phố có vẻ cũng không mấy mặn mà với việc thay đổi tình trạng này. Ma Ngok – Giáo sư tại CUHK cho biết giới doanh nhân chiếm tới 700 ghế trong Hội đồng Lập pháp1.200 thành viên có nhiệm vụ chọn ra người đứng đầu Hong Kong.

Trung Quốc cũng muốn duy trì việc này. Họ có thể gây ảnh hưởng lên Hong Kong thông qua các tài phiệt, do các tỷ phú này đều có những khoản đầu tư nhiều tỷ USD tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết tỷ phú giàu nhất Hong Kong đều đang ở độ tuổi trên 80. Vì vậy, khi người kế nghiệp của họ được đẩy lên, tình hình có thể sẽ thay đổi.

Nhưng còn hiện tại, họ sẽ vẫn là “những mảng màu trong văn hóa Hong Kong”, Ben Cavender tại Viện nghiên cứu thị trường Trung Quốc cho biết, “bạn không thể lờ họ đi, vì họ luôn ở đó, trên bản tin, hoặc trên mọi thương hiệu bạn dùng hàng ngày”.

Hà Thu

0913.756.339