Những số liệu thống kê nêu trên được cơ quan quản lý đưa ra tại Hội nghị trực tuyến kết quả thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản ngày 24/4.
Cụ thể theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, sau 8 tháng triển khai hỗ trợ ngư dân, số liệu từ 23 địa phương cho thấy đã có 628 đơn đăng ký đóng mới (tàu vỏ sắt, vỏ gỗ và vật liệu mới) của các chủ tàu. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại mới nhận 157 bộ hổ sơ và giải ngân cho 31 trường hợp, trị giá 271 tỷ đồng và kỳ hạn 11 năm. Một số trường hợp bị từ chối do chủ tàu sử dụng máy cũ để nâng cấp tàu và không chứng minh được khả năng trả nợ.
Theo đánh giá của địa phương, tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ đóng tàu mới cho ngư dân vẫn còn chậm so với kế hoạch. |
Dù các địa phương đã tích cực triển khai chương trình, song kết quả chưa được như mong muốn, với nguyên nhân chủ yếu được nêu ra là chính sách tín dụng còn nhiều cản trở.
Là địa phương vay được nhiều vốn từ chương trình với 79 hồ sơ đủ điều kiện vay, song theo Phó chủ tịch Quảng Ngãi – Phạm Trường Thọ, hiện số tiền giải ngân mới đạt 14 tỷ đồng, quá nhỏ so với nhu cầu của ngư dân. “Có trường hợp ngư dân bán tàu cũ nhỏ góp vốn làm tàu thép nhưng đến nay vẫn chưa được vay. Điều này gây thiệt hại cho họ. Tôi nghĩ rằng tín dụng là mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chính sách này”, lãnh đạo tỉnh cho hay. Do vậy, đại diện địa phương đề nghị các ngân hàng thương mại cần chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh, tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng với con tàu sắt trị giá 18 tỷ đồng, vốn đối ứng 5% và thuế VAT 10%, riêng khoản đối ứng mà ngư dân phải trả một lần trên dưới 3 tỷ. Điều này vượt quá khả năng với người dân nên ngân hàng cần có phương án rải theo từng kỳ hạn.
Chia sẻ với những vấn đề nêu trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định đây là chương trình quan trọng trong chính sách phát triển thủy sản. Do đó, ngành ngân hàng đang phối hợp với bộ ngành và địa phương để tiếp nhận phản ánh trong quá trình triển khai, đảm bảo giải quyết kịp thời những vướng mắc của ngư dân.
Đồng tình với ý kiến vốn đối ứng sẽ đóng góp theo tiến độ giải ngân vốn, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chủ tàu cần chứng minh có đủ nguồn vốn. Điều đó không có nghĩa các ngân hàng yêu cầu người dân phải nộp đủ tỷ lệ đối ứng.
“Với hạn mức tối đa 60-95% giá trị tàu mới, tài sản đảm bảo chính là con tàu mà không thêm bất cứ tài sản nào khác. Nếu địa phương phát hiện trường hợp nào thực hiện sai chủ trương thì báo cáo để ngân hàng xử lý thỏa đáng”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Đối với một số ý kiến về lãi suất 7% còn cao, ông Tiến cho rằng phần chi phí vốn đưa ra hoàn toàn phù hợp với thời điểm xây dựng chương trình. Và thời điểm này, 7% vẫn là mức rẻ nhất trong các chính sách ưu đãi mà Chính phủ đang triển khai. Tuy nhiên, vị này cho biết nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thì cơ quan quản lý sẽ xem xét điều chỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân có phương tiện bám biển.
Thành Tâm