HDBank vừa ký kết thỏa thuận tham gia Chương trình tài trợ thương mại (Trade Finance Program – TFP) với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là một trong những chương trình hỗ trợ tài chính nhằm phát triển kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển tại khu vực châu Á. TFP cung cấp các khoản bảo lãnh cho những ngân hàng thành viên nhằm tái tài trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Toàn cảnh lễ ký kết. |
Để tham gia TFP, HDBank phải đảm bảo tuân thủ các chỉ số tài chính và quản trị rủi ro do ADB quy định. Điều này đã chứng minh năng lực tài chính và mức độ cam kết của ngân hàng, hướng tới việc quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo tiến trình, ADB đã tiến hành thẩm định HDBank từ tháng 5/2015 và bước đầu, ngân hàng tham gia chương trình TFP với hạn mức tín dụng là 25 triệu USD.
Chương trình TFP đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam nói chung và HDBank nói riêng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực tài trợ thương mại. Đồng thời, chương trình hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng mạng lưới ngân hàng đại lý cũng như nâng cao uy tín của HDBank trên thị trường quốc tế.
Đại diện ADB và HDBank tại lễ ký kết. |
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank cho biết: “Tham gia vào TFP là điều kiện để HDBank nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng tiếp cận thị trường quốc tế dễ dàng, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Ngoài việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, pháp luật Việt Nam, ngân hàng cam kết luôn quản trị hoạt động an toàn theo quy định của ADB”.
HDBank hiện đã đẩy mạnh chiến lược hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài như Ngân hàng ICBC (Trung Quốc), Hyakugo Bank (Nhật Bản), Hana Bank (Hàn Quốc), Credit Saison (Nhật Bản); mở văn phòng đại diện ở nước ngoài (Myanmar). Bên cạnh đó, HDBank được Chính phủ, Bộ Tài chính phê duyệt là ngân hàng cho vay lại hơn 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA từ JICA và 128 triệu USD vốn vay từ World Bank theo chương trình hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3)…
Những sự kiện trên nằm trong mục tiêu tiến sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế của HDBank.Việc trở thành thành viên của TFP là một trong những hoạt động quản trị thể hiện tầm nhìn xa của ngân hàng và hiện thực hoá mục tiêu chiến lược trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam có sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2015, đánh dấu cột mốc 25 năm HDBank thay đổi cả về diện mạo lẫn vị thế sau sức mạnh hội nhập từ DaiABank và SGVF (nay là HD Saison Finance). Ngân hàng đang phát huy các vốn quý về lịch sử, thương hiệu, đội ngũ, tiếp tục khẳng định cam kết lợi ích cao nhất cho khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, quy mô mạng lưới rộng khắp cả nước và đang vươn mình quốc tế, HDBank đã không ngừng lớn mạnh và đạt được những kết quả tốt trong năm 2015.
Ngân hàng được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, ghi nhận bởi nhiều bằng khen, giấy khen như giải thưởng “Doanh nghiệp quản lý tốt nhất châu Á 2015” do Euromoney trao tặng; “Ngân hàng có dịch vụ ngoại hối tốt nhất 2015” do AsiaMoney trao tặng. Bên cạnh đó là bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thành tích xuất sắc cho vay dự án tín dụng quốc tế ODA và được đánh giá là một trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần xếp loại A.
Kết thúc năm tài chính 2015, tổng tài sản HDBank đạt 102.423 tỷ đồng với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng; tổng vốn huy động là 82.092 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014. Tổng dư nợ là 67.252 tỷ đồng, tăng 21,88% so với năm 2014. Nợ xấu kiểm soát ở mức 0,97%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 836 tỷ đồng. ROA: 0.81%. ROE: 8.92 %. Ngân hàng có mạng lưới gồm 220 điểm giao dịch; 4.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Với xếp hạng tín dụng AAA của ADB, chương trình TFP cung cấp các khoản vay và bảo lãnh cho hơn 200 ngân hàng đối tác để hỗ trợ thương mại, cho phép có thêm nhiều công ty hơn nữa trên khắp châu Á tham gia hoạt động xuất – nhập khẩu. Với các chuyên gia chuyên về tài trợ thương mại và thời gian đáp ứng trong vòng 24 giờ, chương trình là đối tác chủ chốt trong cộng đồng thương mại quốc tế, cung cấp hỗ trợ nhanh chóng, đáng tin cậy và phù hợp để lấp đầy những khoảng thiếu hụt trong các thị trường thách thức của khu vực. Từ năm 2009, chương trình đã hỗ trợ cho hơn 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp khu vực, thông qua hơn 10.000 giao dịch với trị giá hơn 20 tỷ USD, trong các lĩnh vực từ hàng hóa và tư liệu sản xuất tới trang thiết bị y tế và hàng tiêu dùng.
ADB, có trụ sở chính tại Manila, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực.
(Nguồn: HDBank)