Một con số đánh dấu cho sự kiện này là hơn 23.500 ôtô Thái Lan được nhập về trong 11 tháng đầu năm nay, đưa nước này thế chân Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất nhiều ôtô nhất sang Việt Nam. Khảo sát tại một số chợ, siêu thị tại Hà Nội cho thấy hoa quả, bánh kẹo, đồ gia dụng của các nước ASEAN nói chung hay Thái Lan, Malaysia nói riêng xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên các kệ hàng hóa.
Tại một siêu thị trên đường Khương Đình (Thanh Xuân), bánh kẹo ASEAN chiếm ưu thế, như kẹo Dynamite Choco giá 15.000 đồng, bánh gạo Bin Bin giá 39.500 đồng, bánh trứng Hiro 33.500 đồng, khoai tây chiên cắt lát thì chủ yếu là thương hiệu đến từ Malaysia với Ligo, Kinos, hay hộp nhựa các loại thì độ phủ sóng của hàng Thái Lan lấn át. Những ngày gần đây, nông sản Thái Lan tràn sang Việt Nam cũng là cụm từ được nhắc tới nhiều, không chỉ gạo mà còn đủ loại hoa quả như me, xoài, bòn bon, cóc…
Hàng gia dụng Thái Lan chiếm được cảm tình người tiêu dùng Việt Nam. |
Nhân viên của siêu thị trên chia sẻ những nhãn hàng từ ASEAN được các bà nội trợ chọn mua nhiều vì tin tưởng chất lượng mà giá lại rẻ hơn nhiều so với bánh kẹo của châu Âu hay Mỹ. Hoặc với nông sản, mẫu mã đẹp, vị ngon, lạ chính là những đặc điểm thu hút người mua, dù giá có đắt gấp đôi trong nước.
Thậm chí, hàng Thái Lan, Malaysia hay các hàng hóa của các nước khác trong khu vực sẽ ngày càng có cơ hội tăng tốc vào thị trường Việt Nam khi ngày mai (31/12), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Theo đó, những cam kết, sáng kiến, chương trình hành động và kế hoạch gỡ bỏ thuế của các nước sẽ được thực hiện quyết liệt hơn để hướng tới thành lập một khu vực kinh tế chung với hơn 640 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại hơn 2.500 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy Thái Lan hiện đứng đầu trong khối về xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch 11 tháng đầu năm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu từ thị trường này đạt 4,5 tỷ USD, tăng 40%. Tương tự, Malaysia 11 tháng năm nay nhập siêu 500 triệu USD, trong khi cùng thời điểm năm ngoái chỉ nhập siêu 140 triệu USD. Những mặt hàng nhập khẩu chính từ các nước là hoa quả; bánh kẹo; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sản phẩm điện tử & linh kiện; hàng điện gia dụng; ôtô; linh kiện và phụ tùng ôtô…
Trao đổi với VnExpress.net, bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết ước tính cả năm, Việt Nam nhập khẩu 5,5 tỷ USD từ các nước ASEAN, tăng 45% so với năm ngoái và đứng thứ ba trong các thị trường nhập siêu lớn, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Riêng Thái Lan nhập siêu năm nay tăng vọt dù các năm trước chỉ ở mức thấp, Malaysia trước đây xuất siêu thì năm nay lại nhập siêu.
“Sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước thấp, khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại vẫn chưa tốt như nước ngoài”, bà Thủy nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay bên cạnh cơ hội, thách thức lớn của Việt Nam năm tới là hội nhập. Tác động của thực thi các hiệp định thương mại với lộ trình thuế xuất bằng 0% sẽ làm tăng nhập khẩu, cạnh tranh trong nước mạnh hơn. Nếu doanh nghiệp trong nước không nâng cao năng lực, nhập siêu sẽ gặp sức ép lớn, gây ảnh hưởng đến ngoại tệ và tỷ giá
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN (AC), cùng với cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ACSC). Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN, từ mức thâm hụt 3,9 tỷ USD năm 2005 tăng dần lên 6 tỷ USD năm 2010, và năm nay ước tính sơ bộ là 5,5 tỷ USD.
Huyền Thư