Một ngày trước lễ ông Công ông Táo tại phố Hàng Mã, người đi bộ lẫn xe cộ nườm nượp khiến cho con phố vốn nhỏ càng chật chội và náo nhiệt hơn. Hàng hóa bày la liệt có khi tràn ra lề đường nhưng phần lớn là bán đồ trang trí, chỉ có khoảng 3-4 cửa hàng trưng bộ đồ lễ ông Táo lẫn vàng mã.
Người bán vàng mã phố cổ kém vui. Ảnh: Giang Huy |
Trong khi các cửa hàng khác sặc sỡ màu sắc với đủ loại đèn lồng, cờ hoa, đề can giấy dán… tấp nập kẻ đứng người mua thì khiêm tốn một góc nhỏ là cửa hàng của bà Hường-một trong số ít cửa hàng vẫn bày bán đồ lễ tại đây. Bà cho biết do mấy năm gần đây có nhiều người bán rong đồ lễ phục ông Táo, cộng thêm với lượng người đổ lên phố chủ yếu để chơi nhiều hơn là mua khiến tắc đường, khó gửi xe nên không còn nhiều khách vãng lai lên phố mua đồ cúng tết 23 tháng Chạp như trước.
“Chỉ còn vài nhà chủ yếu là cung cấp hàng buôn cho mối quen và người dân quanh khu vực này”, bà nói.
Nhiều năm sống tại đây, bà cho biết, con phố này chưa bao giờ hết ồn ào, náo nhiệt nhất là mỗi dịp lễ Tết. Khi đời sống khấm khá hơn, nhu cầu làm đẹp, trang trí nhà cửa cũng dần thay đổi hơn, đặc biệt khi hàng Trung Quốc với nhiều chủng loại mẫu mã mới được nhiều người ưa chuộng cũng khiến các cửa hàng trên phố dần thay đổi theo thị hiếu.
“Giờ đây để tìm một bộ mã Táo quân gồm hài, mũ quan và cá chép trên phố này cũng không khó, nhưng chẳng ai dại gì chạy một quãng đường xa để lên trên phố này mua những món đồ đó nữa”, bà chia sẻ. Có chăng theo bà, chỉ những người quá yêu con phố này hoặc thích những bộ đồ lễ ngày 23 tháng Chạp đẹp hơn, cầu kỳ hơn thì mới sẵn sàng.
Cách đó không xa, để thu hút khách hàng và bắt kịp với nhu cầu từ nhiều năm nay chị Mai cũng nhập thêm một số mặt hàng mới như bao lì xì, đề can dán tường… bán xen lẫn với vàng mã truyền thống. Chị cho biết không phải cứ đông người trên phố là họ sẽ mua hàng. Đa phần toàn giới trẻ và khách du lịch lúc thì đứng tạo dáng chụp ảnh, lúc thì họ chỉ hỏi giá để biết hoặc nếu mua chỉ tìm mấy đồ trang trí hoặc lì xì chứ chẳng mấy ai quan tâm đến đồ vàng mã, nhất là bộ lễ cúng ông Táo.
“Mấy năm trước có ngày bán lẻ hết cả vài trăm bộ Táo quân, thời gian gần đây mình chủ yếu cất buôn về các tỉnh thôi chứ bán lẻ không đáng kể”, chị cho hay.
Chủ một số cửa hàng trên này cũng cho biết, hơn 10 năm nay mặt hàng vàng mã đã được nhiều làng nghề tại Bắc Ninh và một số huyện ngoại thành tập trung sản xuất nên sản phẩm phố Hàng Mã không còn là “độc quyền” thậm chí nhiều cửa hàng cũng phải nhập hoặc đặt làm gia công tại các xưởng bên ngoài. “Nguồn cung nhiều, ai cũng có thể tìm được hàng để bán nên bất kỳ chợ nào, thậm chí những ngày này chỉ cần ngồi ở nhà cũng có người gánh rong qua nhà rao bán vàng mã”, một tiểu thương nói.
Các chủ hàng cho biết cũng như mọi năm vàng mã không có thêm sản phẩm mới, chủ yếu vẫn là bộ mũ áo cho 3 ông “đầu rau” và bộ của thần tài, giá bán tăng không đáng kể. Giá bán đồ lễ phục ông Táo có mức trung bình từ 50.000 – 150.000 đồng một bộ..
Thời điểm này một số hàng mã đắt tiền như nhà lầu, ôtô, điện thoại không được bày bán nhiều. “Thường chỉ rằm tháng 7 nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu mới lớn. Còn tại thời điểm này, khách chủ yếu mua ngựa và một số vàng mã tiền vàng để bày bán thờ, nhưng số lượng không nhiều”, chị Mai cho biết.
Trong khi bộ mũ áo và cá chép cho ngày tết ông Công, ông Táo ổn định, thì một số mặt hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng giá nhẹ. Theo khảo sát của VnExpress tại một số chợ khu vực Cầu Giấy, Ba Đình.. .các loại thịt gia súc, gia cầm và thủy sản đã tăng từ 5-10%. Thịt lợn đang bán với giá từ 120.000-130.000 đồng một kg, gà ta có giá từ 140.000-150.000 đồng một kg, riêng gà làm sẵn có nơi bán đến 220.000 đồng mỗi kg, cá chép tăng thêm 5.000-10.000 đồng một cân so với vài ngày trước đây ở mức từ 70.000-75.000 đồng. Riêng với rau xanh, ngoài các loại rau chính vụ như cải, lơ, xu hào giá ổn định, một số rau trái vụ gồm muống, mồng tơi, đặc biệt rau thơm các loại đều tăng giá thêm từ 500- 2.000 đồng một mớ. |
Trịnh Nguyên