Bộ Giao thông Vận tải hôm nay phát đi thông cáo báo chí giải thích về việc chênh lệch tổng mức đầu tư và chi phí thực tế ở hai dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát và đoạn Hà Nội – Bắc Giang mà Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa kết luận là mắc nhiều sai sót.
Dự án BOT mở rộng đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – Tổng công ty 319 thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 3.627 tỷ đồng. Theo thanh tra, trước đây dự án này được lập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì chi phí chỉ khoảng 1.937 tỉ đồng. Nhưng khi được điều chỉnh theo hình thức đầu tư BOT với quy mô nhỏ hơn lại khiến tăng vốn trên 1.226 tỉ đồng (chưa tính lãi vay).
Dự án BOT Cầu Giát – Nghi Sơn dài 34km Ảnh: Vneconomy |
Cơ quan thanh tra lo ngại việc đội vốn không được đề cập và so sánh trước khi cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư có thể gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Bên cạnh đó, phương án thu phí hoàn vốn cho dự án trong hơn 17 năm 5 tháng là không chính xác, cần tính toán lại.
Theo tính toán của đoàn thanh tra, tính đến tháng 2015, mức đầu tư của dự án chỉ hơn 2.378 tỉ đồng, chênh lệch khoảng 1.202 tỷ.
Tương tự, tại dự án đoạn Hà Nội – Bắc Giang do liên danh Tập đoàn Đại Dương – Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại 319 – Tổng công ty Vinaconex và Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú thực hiện, thanh tra cũng chỉ ra chênh lệch tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng. Trong đó riêng phần tăng do chi phí xây lắp là 273 tỷ.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra công tác lựa chọn nhà đầu tư cho dự án còn nhiều bất cập, không rõ ràng và chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, cam kết thu xếp tài chính của Ngân hàng Techcombank cho Tập đoàn Đại dương không ghi mốc thời gian thực hiện và giá trị tài trợ tối đa chỉ được 10% vốn tự có, tương đương 1.329 tỷ (trong khi mức cần thiết là 3.727 tỷ) là chưa phù hợp với hồ sơ yêu cầu trong công tác lựa chọn nhà đầu tư. Tính đến thời điểm bắt đầu tiến hành thanh tra là cuối năm 2014, các nhà đầu tư cũng mới chỉ góp vốn hơn 211 tỉ đồng, đạt 84,5% tiến độ góp vốn theo cam kết.
Phản ứng lại kết luận này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng tổng mức đầu tư chỉ là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn dùng để đàm phán lựa chọn nhà đầu tư. “Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế không phải là thất thoát hoặc lãng phí và càng không thể khai khống mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí”, văn bản của Bộ Giao thông viết.
Theo Bộ giao thông, trong quá trình kiểm toán tại một số dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước cũng không kết luận việc chênh lệch mức đầu tư là thất thoát hay gây thiệt hại cho ngân sách. Cơ quan này cũng giải thích, theo quy định tạ các Hợp đồng BOT đã ký thì giá trị quyết toán cuối cùng được cấp có thẩm quyền chấp thuận mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư ký kết hợp đồng điều chỉnh nhằm xác định thời gian hoàn vốn cho dự án.
Bộ Giao thông cho hay ngay sau khi có dự thảo và kết luận thanh tra, Bộ đã có văn bản giải trình Bộ Kế hoạch đầu tư và báo cáo Thủ tướng nhằm làm rõ cách xác định tổng mức đầu tư cũng như xác định giá trị quyết toán để điều chỉnh thời gian hoàn vốn dự án.
Trong khi đó, đại diện Techcombank hôm nay cũng lên tiếng giải thích về việc cam kết cung cấp tín dụng cho dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang.
Ngân hàng này cho biết mới chỉ dừng lại ở việc cam kết nguyên tắc về việc bảo lãnh dự thầu và cam kết thu xếp tài chính cho Tập đoàn Đại dương. “Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa cung cấp hồ sơ cho ngân hàng nên Techcombank chưa tiến hành thẩm định dự án. Do đó, Techcombank đã gửi thông báo số chấm dứt cam kết thu xếp tài chính cho Công ty Đại Dương từ giữa tháng 3 năm nay”, thông báo từ ngân hàng viết.
Chí Hiếu