Giám đốc quỹ ngoại ca ngợi chứng khoán VN trên Forbes

Andreas Vogelsanger là CEO Asia Frontier Capital Vietnam (AFC Vietnam). Công ty mẹ của quỹ này – Asia Frontier Capital chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu các nước mới nổi và sơ khai tại châu Á, thông qua Asia Frontier Fund. Trước khi làm việc cho AFC Vietnam, Vogelsanger đã có 25 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính tại EVK Capital Singapore, Coutts Private Bank và Bank Julius Baer.

Trong cuộc phỏng vấn với Forbes, Vogelsanger tỏ thái độ khá lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Andreas-Vogelsanger-1563-1412063929.jpg

Andreas Vogelsanger – CEO Asia Frontier Capital Vietnam. Ảnh: Barbara Fenini Vogelsanger

– Vn-Index đã tăng 24% từ đầu năm. Vậy kết quả kinh doanh của AFC Vietnam so với thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung thế nào?

– Quỹ AFC Vietnam thành lập tháng 12/2013 và đã tăng trưởng 27% cho đến nay. Chúng tôi khởi đầu chỉ quản lý 3,6 triệu USD tài sản và giờ đã lên 10 triệu USD. Quy mô nhỏ là lợi thế giúp chúng tôi linh hoạt trên thị trường.

– Các quỹ đầu tư lớn nhất đang đổ tiền vào Việt Nam được điều hành bởi Dragon Capital và VinaCapital. Quỹ của ông có sự khác biệt nào khi tham gia thị trường?

– Chúng tôi tập trung vào các công ty vốn hóa vừa và nhỏ ở Việt Nam. Hãy nhớ, vốn hóa nhỏ ở Việt Nam có thể chỉ là siêu nhỏ theo tiêu chuẩn châu Âu. Các quỹ như VinaCapital và Dragon có quy mô rất lớn, nên không thể đổ tiền vào các công ty nhỏ như chúng tôi.

Một vấn đề khi đầu tư tại Việt Nam là đợi thị trường tái định giá. Khi chúng tôi bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2013, hệ số giá trên lợi nhuận của các cổ phiếu trên toàn thị trường vào khoảng 11. Con số này giờ đã tiến gần hơn tới các nước trong khu vực, khi lên 14. Tuy nhiên, phân khúc vừa và nhỏ vẫn đang ở quanh 7 như năm ngoái. Nhưng tôi cho rằng việc này rồi cũng sẽ xảy ra thôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát thị trường, bất kể hệ số giá trên lợi nhuận như thế nào.

Sau này, nếu các cổ phiếu vừa và nhỏ tại Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, chúng tôi có thể sẽ thay đổi chiến lược để chớp lấy cơ hội trên thị trường.

– Việt Nam đã trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh và vỡ bong bóng trong thập kỷ qua. Vậy Chính phủ đã rút ra bài học gì về quản lý kinh tế chưa?

– Theo quan sát của tôi thì là rồi. Khi nói chuyện với người dân địa phương năm 2013, trước khi lập quỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp đều không quá lạc quan. Nhưng tôi và Giám đốc Đầu tư – Andy Karall đều cho rằng Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu hướng đến tăng trưởng bền vững.

Những người chỉ trích cho rằng Chính phủ đã không hành động kịp thời. Nhưng rất nhiều nước khác cũng như vậy mà thôi. Họ đã làm mọi thứ và kết quả thì cần phải có thời gian. Vả lại, không phải tất cả đều có thể hoàn hảo. Việt Nam đã có chính sách tiền tệ khá tốt, ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, lãi suất đang đi xuống, các vấn đề của ngân hàng đang được giải quyết và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang lên. Đó đều là các dấu hiệu bình ổn giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin.

– Tại sao AFC lại chọn Việt Nam làm nơi đầu tiên mở quỹ chuyên cho một quốc gia?

– Đợt điều chỉnh năm 2007-2012 đã khiến 90% cổ phiếu trên sàn TP HCM và 70% trên sàn Hà Nội mất giá. Những sự kiện như vậy đã tạo ra cơ hội. Bản thân Asia Frontier Fund cũng đang có 20% tài sản tại Việt Nam, do chúng tôi cho rằng nước này là một kênh đầu tư tốt.

Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi, như dân số có trình độ giáo dục cao so với nhiều nước trong khu vực, hay lực lượng lao động trẻ, sẵn sàng làm việc với mức lương thấp.

Năm 2013, bằng kinh nghiệm của Andy Karall, chúng tôi thử nghiệm một mô hình đầu tư, điều chỉnh theo các điều kiện tương tự thị trường Việt Nam và thành công, với lợi nhuận trên trung bình khá nhiều. Vì thế, chúng tôi quyết định huy động vốn và mở quỹ.

Một yếu tố khác là khi tập trung vào các công ty vốn hóa vừa và nhỏ, chúng tôi có rất ít đối thủ. Trong khi các quỹ đầu tư vào công ty lớn sẽ bị hạn chế theo luật sở hữu nước ngoài, chúng tôi chẳng bao giờ phải lo về chuyện đó, vì các công ty chúng tôi chọn cũng chẳng có mấy người nước ngoài đổ tiền vào.

– Việt Nam gần đây đã công bố thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và Malaysia. Việc này có ý nghĩa thế nào với các hãng thép Việt Nam và nói lên điều gì về chính sách của Chính phủ với các công ty trong nước?

– Theo tôi biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam có biện pháp mạnh như vậy để bảo vệ thị trường nội địa. Các hãng trong nước đã phải vất vả hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng công suất cho thị trường nội địa, nhưng rồi lại không thể cạnh tranh với giá từ các nước khác.

Tuy nhiên, từ quan điểm của một đối tác thương mại, Trung Quốc hay Đài Loan đều là các đối tác quan trọng hơn so với nước khác. Vì thế, chiến tranh thương mại với họ không phải là hành động khôn ngoan hoặc có lợi. Nhưng đến nay, thị trường chứng khoán vẫn không có phản ứng với tin này.

– Khi nói đến Việt Nam, người ta thường nghĩ rủi ro lớn với đà phục hồi của nước này là dọn dẹp hệ thống ngân hàng và nợ xấu. Vậy việc này đang tiến triển thế nào?

– Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang bán nợ xấu, nhưng tốc độ vẫn chưa được như kỳ vọng. Cá nhân tôi thì cho rằng các vấn đề này có thể tự biến mất nếu tăng trưởng nhanh trở lại và thị trường bất động sản ấm lên. Tăng trưởng GDP được dự đoán cao nhất là 6% năm nay. Nhưng Việt Nam có lẽ cần hơn thế để dọn dẹp mọi thứ.

Việt Nam cũng có thể trở thành Trung Quốc tiếp theo, nếu tăng trưởng lên 9%. Intel đã phải mất 14 năm tại Trung Quốc để lực lượng lao động nước này thích nghi với phương pháp của họ. Nhưng ở Việt Nam, họ chỉ mất có 4 năm. Đây là tín hiệu rất tích cực cho kinh tế Việt Nam.

Hà Thu

0913.756.339