Giá vàng lập đỉnh khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ

Sau hàng loạt số liệu nghèo nàn về nền kinh tế, Bắc Kinh hôm qua đã cho phép giảm giá NDT xuống đáy gần 3 năm so với USD. Quyết định này có lúc đã đẩy vàng xuống 1.093 USD một ounce trong phiên châu Âu.

Giá giao ngay sau đó bật lên đỉnh 3 tuần tại 1.119 USD trong phiên Mỹ. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,3% lên 1.107 USD một ounce. 

Đến 7h15 sáng nay, giá bắt đầu có dấu hiệu lên cao, chạm 1.110 USD, tương đương 29,23 triệu đồng mỗi lượng (chưa thuế, phí, gia công). Giá mua bán trong nước hôm qua cũng nhích lên theo thế giới, chốt tại 32,92-33,06 triệu đồng.

vang-13-JPG-1441-1439339020.jpg

Giá vàng thế giới đã tăng liên tục từ cuối tuần trước. Ảnh: Anh Quân

“Thị trường đang hưởng lợi từ tâm lý sợ chiến tranh tiền tệ. Thời điểm giá vàng lên cao nhất năm nay là những lần tỷ giá biến động hồi đầu năm, khi ngân hàng trung ương nhiều nước giảm lãi suất hoặc can thiệp vào chính sách tiền tệ. Yếu tố như vậy có thể đã tạo ra đà tăng hôm qua”, Matthew Turner – nhà phân tích tại Macquarie nhận xét.

Ông cho rằng động thái của Trung Quốc đang làm tăng bất ổn và rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Mà việc này lại có lợi cho vàng. Tuyên bố trên cũng khiến giá USD lên cao và chứng khoán toàn cầu đi xuống hôm qua

Các nhà kinh tế học và quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết việc Trung Quốc phá giá nội tệ không thể khiến FED xao nhãng tình hình trong nước, vốn đã sẵn sàng cho việc nâng lãi suất. “Bất kỳ biểu hiện chần chừ nào của FED cũng sẽ được thị trường coi là yếu tố tích cực với vàng”, David Meger – Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures dự báo.

Dù vậy, trong trung hạn đến dài hạn, giới phân tích không cho rằng động thái của Trung Quốc sẽ kéo vàng lên cao, do nó sẽ châm ngòi cho làn sóng hạ giá tiền tệ mới trên toàn cầu.

“Trong dài hạn, việc Trung Quốc phá giá tiền tệ sẽ có tác động tiêu cực với vàng, do nó khiến giá vàng đắt đỏ hơn với họ”, Warren Kreyzig – nhà phân tích hàng hóa tại Julius Baer cho biết.

Hà Thu

0913.756.339