GDP có thể giảm 2% vì tỷ giá

Tại hội thảo về tác động của chính sách điều chỉnh tỷ giá đến tăng trưởng, nợ công, được tổ chức ngày 25/8 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, các chuyên gia hàng đầu như ông Bùi Trinh hay tiến sĩ Phạm Thế Anh, tiến sĩ Đinh Tuấn Minh… đã phân tích tác động nhiều chiều của tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam.

Trước sức ép Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể tăng lãi suất, trong 2 tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) và tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% lên 21.890 đồng một đôla. 

Vấn đề thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế được quan tâm nhất khi đây luôn là lý do chính được nhắc tới trong các đợt tăng tỷ giá tiền tệ. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh, điều này khó xảy ra trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu. “Hạ giá tiền tệ sẽ làm tăng chi phí đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ với nhận định này, chuyên gia Bùi Trinh cho biết thêm với việc Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc, thì thay vì lan tỏa đến giá trị gia tăng, hoạt động xuất khẩu sẽ chủ yếu lan tỏa trở lại nhập khẩu. Điều này có thể được hiểu là càng xuất khẩu nhiều, Việt Nam càng thiệt thòi ở khâu nhập khẩu.

Với mức giảm giá 3% của tiền đồng so với USD, vị này cho rằng chi phí trung gian của nền kinh tế sẽ tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng. “Tổng ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất vào khoảng 1,1% và GDP có thể giảm hơn 2%”, chuyên gia này lượng hóa.

Từ những phân tích nêu trên, các chuyên gia cũng đưa ra một số bình luận về chính sách điều hành tỷ giá. Theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Việt Nam khó đáp ứng được các điều kiện để áp dụng tốt chế độ neo tỷ giá (như đan neo theo USD), bởi ngay cả trong điều kiện lạm phát giảm tốc như hiện nay, mức trượt giá này vẫn cao hơn nhiều so với các đối tác thương mại lớn.

“Đây là một nguy cơ khiến cho tỷ giá hữu hiệu thực đi lên và ngày càng làm xói mòn khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội. Bên cạnh đó, chỉ cần nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, bất ổn tỷ giá sẽ lại xuất hiện”, ông nhận xét.

Chuyên gia này cho rằng, việc áp dụng chế độ neo tỷ giá sẽ khiến cơ quan điều hành thường xuyên phải đối phó với các cú sốc và khó chủ động chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng hiện điều kiện cũng chưa cho phép Việt Nam áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Thay vào đó, nên áp dụng một cơ chế thả nổi có kiểm soát, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí cho nền kinh tế.

Chí Hiếu

0913.756.339