G20 thúc giục các nước cải tổ kinh tế

Dù vậy họ cũng tự tin rằng GDP sẽ tăng tốc và lãi suất tại một số nền kinh tế phát triển sẽ nhích lên. “Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh tế, nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ để tăng trưởng cân bằng. Khi triển vọng tăng trưởng cải thiện, các nước phát triển có khả năng lại thắt chặt”, thông cáo của hội nghị G20 kết thúc hôm qua cho biết.

Bên cạnh đó, áp lực lên các nước mới nổi khi Mỹ tăng lãi suất cũng là một rủi ro cho tăng trưởng. Để hạn chế biến động vốn tại các nước này, các lãnh đạo tài chính G20 cho biết sẽ hành động trước các tình huống bất thường và quá đà.

Những lo ngại này càng dâng cao trong bối cảnh Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng chậm lại. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 đã thảo luận vấn đề Trung Quốc hạ giá NDT hồi tháng 8. Nhiều bộ trưởng cho rằng động thái này nhằm thị trường hóa lãi suất hơn là hỗ trợ xuất khẩu.

g20-9170-1441523691.jpg

Lãnh đạo các nước G20 tham gia phiên họp cuối tuần này. Ảnh: Reuters

Việc Trung Quốc hạ giá nội tệ và thị trường chứng khoán lao dốc cho thấy nền kinh tế này sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn tự do hóa. “Việc chuyển đổi này thách thức đến mức khó tin, và chúng tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu có những đợt biến động mạnh. Đây không phải là quá trình suôn sẻ, và tôi cho rằng chúng tôi đã có rất nhiều lời giải thích, rất nhiều cơ hội để hỏi, và đó là một cuộc đối thoại rất cởi mở”, Giám đốc IMF – bà Christine Lagarde cho biết sau phiên họp.

Dù vậy, một số người vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản – Taro Aso cho biết: “Giải thích của họ vẫn chưa đầy đủ và lẽ ra phải rõ ràng hơn nữa”. Còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Jack Lew cho rằng Trung Quốc cần chuyển sang cơ chế tỷ giá phản ánh các yếu tố nền tảng của thị trường. Nhưng họ phải thực hiện việc này một cách có trật tự, với các chính sách rõ ràng và dễ hiểu.

Các đại diện G20 cũng đồng ý việc cải tổ chưa được thực hiện đủ nhanh. Năm ngoái, họ thống nhất đẩy tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới lên thêm 2%, thông qua đầu tư và cải tổ. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện đúng tiến độ.

Bà Lagarde cho rằng các Chính phủ từ lâu đã quá dựa dẫm vào dòng tiền giá rẻ từ ngân hàng trung ương, thông qua chính sách nới lỏng chưa từng có. “Nới lỏng tiền tệ là cần thiết. Từ quan điểm của chúng tôi, việc này nên được khuyến khích, đặc biệt là tại Nhật Bản và châu Âu. Nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa về mặt tài khóa và cải tổ cấu trúc”, bà nói.

Tăng cường đầu tư cũng là một chìa khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ các nước G20 sẽ chuẩn bị chiến lược đầu tư để trình bày trong cuộc họp tháng 11 sắp tới.

Dù không nằm trong chương trình nghị sự, các quan chức cũng bàn bạc bên lề về tham vọng của Trung Quốc – đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của IMF. Lew cho biết ông rất cởi mở về vấn đề này, miễn là Trung Quốc cải tổ như cam kết.

Hà Thu (theo Reuters)

0913.756.339