Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. |
Trao đổi với tờ Nikkei, Chủ tịch Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) Trương Gia Bình cho hay công ty đặt mục tiêu thực hiện một đến hai thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) mỗi năm để mở rộng thị trường, phát triển ngành nghề mới hướng tới chiến lược tăng trưởng.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 50 triệu USD trong năm nay. Tiếp đó, FPT muốn phát triển nhiều hơn ở Mỹ. Tập đoàn hy vọng sẽ có một vài thương vụ M&A ở Mỹ trị giá khoảng 50-100 triệu USD”, ông Bình nói.
Nhật Bản hiện là thị trường chiến lược nhất của FPT, đóng góp 50% doanh thu hằng năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao nhất lại thuộc về thị trường Mỹ, đạt 45%. Phần doanh thu còn lại đến từ các quốc gia mới nổi như Bangladesh, Lào, Myanmar, Campuchia…
Kế hoạch của FPT là tăng doanh thu toàn cầu hóa từ mức 200 triệu USD hiện tại lên một tỷ USD năm 2020. “Trong 15 năm tới, chúng tôi muốn gia nhập nhóm những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện nay, tập đoàn có khoảng 30.000 nhân viên và đang lên kế hoạch tăng gấp ba trong 5 năm tới”, vị Chủ tịch này chia sẻ.
Liên quan đến việc Chính phủ mới đây yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ cổ phần tại FPT (6% vốn điều lệ), ông Bình cho hay nhiều tổ chức nước ngoài đã liên hệ tìm hiểu, song hiện nay SCIC chưa có lộ trình cụ thể cho việc bán cổ phần.
9 tháng đầu năm, FPT đạt doanh thu hợp nhất hơn 29.200 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động toàn cầu hóa tăng 36%, đạt 3.409 tỷ đồng, tương đương 156 triệu USD. Lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 8%.
Năm 2014, FPT đã mua lại công ty RWE IT Slovakia và kỳ vọng tạo doanh thu 80 triệu USD trong 5 năm với khoản đầu tư này. Tập đoàn cũng mua lại 123mua của VNG hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Phương Linh