Đó là nội dung đáng chú ý tại dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến hôm nay.
Quy định dự kiến Thủ tướng sẽ là người có thẩm quyền quy định khung giá điện. Mức tối thiếu mỗi lần tăng giá điện là 3% và thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bình quân là 3 tháng.
Giá điện sẽ tăng ít nhất 3% mỗi lần. Ảnh: EVN |
Khi các chi phí đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành 3-5% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán bình quân tương ứng. Doanh nghiệp chỉ cần báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm tra.
Nếu cần tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân cần điều chỉnh vượt phạm vi khung giá, EVN phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện), quy định yêu cầu EVN giảm ngay giá bán ở mức tương ứng, bất kể mức giảm là bao nhiêu.
Dự thảo cũng giao Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương được quyền ra văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân, được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân…
Một trong những quy định đáng chú ý khác là Bộ Công Thương cũng sẽ công khai công thức tính giá bán điện bình quân.
Theo đó, giá để làm cơ sở điều chỉnh giá điện bao gồm 10 yếu tố cấu thành như: tổng chi phí phát điện, tổng doanh thu cho phép khâu truyền tải điện, chi phí khâu phân phối – bán lẻ điện và lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn giá điện…
Một điểm mới khác là theo dự thảo, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để bình ổn giá bán nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Dự thảo dự kiến giao EVN quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.
T. Đức