Phần tham luận của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) trong phiên thảo luận chiều 2/11 gây được nhiều chú ý khi vị này chất vấn thẳng vào nhiều vấn đề gai góc của tình hình kinh tế xã hội như sai phạm tại khu nhà 8B Lê Trực, việc đội vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), tình hình trốn thuế của doanh nghiệp hay chất lượng đời sống của người lao động…
Bên cạnh đó, vị này cũng dành nhiều thời gian nêu ý kiến về những bất cập của bộ máy công chức Nhà nước, vốn là vấn đề được nhiều đại biểu chia sẻ trước đó. Cụ thể, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng cần có giải pháp để loại bỏ nạn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, vốn là những người hằng ngày tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.
Ông cũng yêu cầu truy tận cùng những lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, trục lợi cho bản thân, các lãnh đạo nhiệm kỳ mới phải hứa chống tham nhũng, chống lãng phí. “Phải cương quyết chống bệnh ăn xổi ở thì ở công chức, chỉ còn một ngày làm việc thì cũng tận tụy”, vị này khẳng định và đề nghị Quốc hội ban hành Luật để loại bỏ những vị trí “ăn bám”, giúp tinh gọn bộ máy, có nguồn lực để nâng lương cho cán bộ có năng lực.
Ngoài ra, ông Đương cũng cho rằng quá trình tuyển chọn công chức phải minh bạch, cạnh tranh hơn, thông qua đánh giá những sản phẩm công vụ, công hiến của họ được xã hội công nhận. “Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay sở tìm cách làm lãnh đạo”, đại biểu Đương nhấn mạnh.
Trước đó, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng than phiền bộ máy công chức Nhà nước đang quá cồng kềnh. “Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế, nhưng với các giải pháp đã làm thì tôi tin là không thể giảm được, vì không biết giảm ai, thậm chí tạo thêm những bức xúc khác”, ông Nam nói.
Liên hệ với tấm gương thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị đại biểu này bức xúc khi nêu lại tình trạng địa phương cho làm tượng đài Bác Hồ và quảng trường hoành tráng, tốn kém, trong khi ngân sách ngày càng khó khăn. “Chính phủ cần báo cáo việc này với Quốc hội và sớm chấn chỉnh, nhất là trong lúc toàn Đảng toàn dân đang học tập làm theo đạo đức của Bác”, ông Nam đề nghị.
Theo ông Nam, những hạn chế nói trên có nguyên nhân rất lớn thuộc trách nhiệm của các Bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, các địa phương, thậm chí là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Do đó, ông đề nghị Chính phủ bổ sung thêm trách nhiệm của người lãnh đạo vào báo cáo tổng kết 5 bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ.
Phương Linh – Quang Dũng