Dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm

Dù số liệu này bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh, khiến giá trị dự trữ bằng các tiền tệ khác như euro suy giảm, vẫn cho thấy có sự chuyển dịch. Suốt thập kỷ qua, các ngân hàng trung ương, chủ yếu là các nước đang phát triển như Nga hay Trung Quốc, đã bổ sung trung bình 824 tỷ USD dự trữ mỗi năm.

Ngoài việc chứng minh cho sự trở lại của USD trong vai trò tiền tệ thống trị thế giới, sự sụt giảm dự trữ còn ẩn chứa nhiều thông điệp với thị trường toàn cầu. Nó có thể khiến các nước mới nổi khó tăng cung tiền hay củng cố tăng trưởng kinh tế. Nó cũng sẽ khiến euro giảm giá thêm và gây sức ép lên nhu cầu trái phiếu Chính phủ Mỹ.

“Đây là thách thức lớn với các thị trường mới nổi. Họ sẽ phải kích thích nhiều hơn nữa”, Stephen Jen – cựu chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết.

bloom-4178-1428312456.jpg

Các nước mới nổi đang giảm mạnh dự trữ ngoại hối. Ảnh: Bloomberg

Loại trừ ảnh hưởng từ biến động tỷ giá, Credit Suisse ước tính các nước đang phát triển, vốn nắm giữ hai phần ba dự trữ toàn cầu, đã chi ròng 54 tỷ USD trong quý IV. Đây là khoản chi lớn nhất từ khủng hoảng tài chính 2008.

Trung Quốc – quốc gia đang nắm dự trữ lớn nhất thế giới đóng góp chủ yếu vào sức giảm này. Các ngân hàng trung ương bán USD để bù lại khoản vốn bị rút ra, đồng thời để tăng giá nội tệ. Số liệu của Bloomberg cho thấy tiền tệ các nước mới nổi đã mất 15% so với USD trong năm qua.

Tháng 12/2014, Trung Quốc giảm dự trữ xuống 3.800 tỷ USD, từ đỉnh 4.000 tỷ USD trong tháng 6. Số liệu này tại Nga giảm 25% xuống 361 tỷ USD tháng trước. Trong khi đó, Ảrập Xêút – nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản, đã đốt gần 10 tỷ USD từ tháng 8 năm ngoái, xuống 721 tỷ USD năm nay.

Xu hướng này có thể còn tiếp tục nếu giá dầu vẫn ở mức thấp và tăng trưởng tại các nước mới nổi vẫn yếu, Deutsche Bank dự báo. Việc này sẽ có tác động tiêu cực lên đồng euro, vốn đang hưởng lợi từ đà mua vào những năm gần đây khi các nước đa dạng hóa dự trữ, George Saravelos – Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank cho biết.

Tỷ trọng euro trong dự trữ toàn cầu đã xuống 22% năm 2014, thấp nhất từ 2002. Trong khi đó, số liệu này với USD lại lên đỉnh 5 năm tại 63%, IMF cho biết trong báo cáo cuối tháng 3.

“Trung Đông và Trung Quốc vẫn là 2 nơi có khả năng giảm dự trữ mạnh nhất trong những năm tới. Các ngân hàng trung ương tại đây cần phải bán euro”, Saravelos nhận xét.

Ngân hàng trung ương các nước mới nổi đã bắt đầu dự trữ từ sau khủng hoảng tài chính châu Á thập niên 90, nhằm bảo vệ thị trường nội địa trong trường hợp khó tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Họ cũng mua USD để hạn chế đà tăng của nội tệ, khiến khối dự trữ tăng gấp 4 từ năm 2003.

Dù các cơ quan có cách khác để bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, nhưng nếu không củng cố dự trữ ngoại hối, nội tệ của họ cuối cùng cũng sẽ yếu đi. Đây chính là kết quả họ đang muốn né tránh.

“Biến động trên thị trường ngoại hối là thước đo chính với thanh khoản toàn cầu. Khi cơ chế nới lỏng tiền tệ đột ngột chấm dứt, giá tài sản các nước mới nổi thường là một trong những nạn nhân đầu tiên”, Albert Edwards – chiến lược gia toàn cầu tại Societe Generale nhận định.

Hà Thu(theo Bloomberg)

0913.756.339